Ngoài lợi thế về hạ tầng đồng bộ, Thái Nguyên còn chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả tại các khu công nghiệp.
>> DDCI Thái Nguyên: Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên Phan Đức Cường cho biết, để kiến tạo môi trường kinh doanh của tỉnh, Ban luôn đẩy mạnh những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chỉ số PCI tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, để cải thiện môi trường đầu tư, Ban chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó, Ban định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thông qua việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; hỗ trợ các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, tạo kênh kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Ngay từ đầu năm, Ban đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022, trong đó nêu rõ mục tiêu là đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thiết thực, hiệu quả, chuyển đổi phương thức tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư từ bị động sang chủ động. Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, hạn chế các dự án có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng diện tích đất lớn và gây ô nhiễm môi trường.
Để thực hiện, Ban tiến hành xây dựng hình ảnh quảng bá về tiềm năng, cơ hội đầu tư và các chính sách, thủ tục thông thoáng, minh bạch. Chú trọng công tác đối ngoại, tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư trực tiếp với các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc tại Ban. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư chiều sâu, phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung quan tâm giúp đỡ, đồng hành cùng nhà đầu tư thực hiện các dự án để tạo niềm tin thu hút các nhà đầu tư khác.
Sự hình thành và đi vào hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ về môi trường, đòi hỏi các khu công nghiệp cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy chuẩn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Do đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ về môi trường theo quy định ngay sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đảm bảo hồ sơ được phê duyệt, xác nhận trước khi đưa dự án đi vào xây dựng và vận hành.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nắm bắt và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Yêu cầu các doanh nghiệp ký bản cam kết thực hiện nghiêm công tác quản lý và chuyển giao chất thải trong khu công nghiệp; ký cam kết chống chất thải nhựa…
Công tác quan trắc môi trường trong và xung quanh các khu công nghiệp được thực hiện thường xuyên. Ban đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác quan trắc định kỳ, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm hoặc các sự cố môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để có những giải pháp xử lý kịp thời.
Theo ông Phan Đức Cường, nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số trong việc thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp của tỉnh, nên ngay từ đầu năm, Ban đã tổ chức quán triệt xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình, có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện đúng quy định, đạt kết quả. Các quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ban đều niêm yết, công khai theo đúng quy định.
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Ban thực hiện rà soát, đơn giản hóa các bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.