Sự chủ động của địa phương
Trong một hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh gần đây, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Shim Won Hwan một lần nữa giải đáp những câu hỏi có từ năm 2013: Tại sao Samsung lại chọn Thái Nguyên?
Lãnh đạo Samsung nhớ lại khi cân nhắc địa điểm đầu tư, ấn tượng ban đầu mà doanh nghiệp này tiếp nhận không phải là những lợi thế hạ tầng kỹ thuật mà chính ở sự nhiệt huyết của lãnh đạo địa phương.
Khi đó Samsung đặt tại nhà máy Bắc Ninh. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên đến thăm hỏi và bày tỏ mong muốn thu hút đầu tư. Sự chân thành của tỉnh đã thuyết phục được Samsung.
Khi Tập đoàn Samsung triển khai dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên) vào năm 2013 đã đưa Thái Nguyên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 22 dự án cấp mới, tổng vốn trên 3,4 tỷ USD.
Nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của Samsung đặt ở huyện Yên Bình tạo ra việc làm cho gần 70.000 lao động địa phương đã trở thành hiện tượng FDI lúc bấy giờ.
Sau 5 năm có sự hiện diện của Samsung, hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên đã có bước phát triển nhảy vọt, tăng mạnh từ vài trăm triệu USD lên hàng chục tỷ USD mỗi năm, đưa Thái Nguyên vào top các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Từ khi có Samsung địa phương có sức hút lớn với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tỉnh có 132 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 7,7 tỷ USD; nhiều dự án lớn, có sức lan toả cao đã và đang được thực hiện, giúp Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để có được những kết quả vượt bậc trong thu hút đầu tư FDI, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, phổ biến lan tỏa các chính sách nhà nước, tăng cường sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế lớn và cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư thật sự có năng lực về tài chính cũng như năng lực về chuyên môn, đặc biệt là quan tâm đến các lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... Các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở phối hợp, song hành cùng nhà đầu tư đảm bảo một môi trường an ninh bền vững giúp đỡ các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn bó lâu dài với Thái Nguyên...
Điểm đến mới của nhiều "ông lớn"
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, kể từ Hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 7/2018 đến nay, tỉnh đã thu hút 62 dự án của 44 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 115.670 tỷ đồng.
Tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 28 dự án với tổng vốn hơn 1.636 tỷ đồng.
Ngay sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo cụ thể đối với việc hiện thực hóa các dự án đã ký kết. Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban.
Các dự án đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Thái Nguyên hiện trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, trong đó có rất nhiều dự án quy mô lớn của Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TMS, Tập đoàn Danko, Công ty Cổ phần Vườn Thời đại Việt Nam..
Sự rốt ráo của chính quyền địa phương đã tạo quyết tâm lớn cho các nhà đầu tư.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T chia sẻ: "Nếu không có gì thay đổi trong năm 2019 Tập đoàn sẽ kết thúc thủ tục pháp lý và tiến hành đầu tư đến năm 2025".
Cùng với các tập đoàn lớn, nhiều doanh nghiệp của tỉnh cũng đang tiến hành mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động từ các dự án đã ký kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018. Điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG với hàng loạt dự án nhà máy may mặc, dự án nhà ở xã hội, dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1.
Theo Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thương mại TNG đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, việc lãnh đạo tỉnh sớm ban hành Nghị quyết 09 về cải thiện môi trường đầu tư, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng cùng nhiều nỗ lực khác, sẽ thổi luồng gió mới trong thu hút đầu tư vào Thái Nguyên.
“Tôi tin rằng với tinh thần này hoạt động đầu tư vào Thái Nguyên trong thời gian tới sẽ có bước phát triển mạnh mẽ,” - Ông Thời chia sẻ.
Có thể nói, hơn 1 năm từ sự kiện xúc tiến đầu tư, mảnh đất giàu tiềm năng Thái Nguyên đang được khai phá và có những đổi thay tích cực về cả diện mạo đô thị, đến sự phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế.
Làn sóng đầu tư cũng góp phần thay đổi tư duy, cách tiếp cận, phương thức triển khai các dự án đầu tư, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước.
Nhờ chính sách cởi mở với FDI nhưng thu hút có chọn lọc, thu hút vốn FDI của tỉnh giai đoạn 2012 đến 2017 tăng khoảng 70 lần so với giai đoạn 1993-2012. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 16,32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 13 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 110.000 người lao động.