>>> Doanh nghiệp công nghệ số và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia
Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (tỉnh Thái Nguyên) khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Muốn minh bạch, doanh nghiệp phải dám làm
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, câu chuyện chuyển đổi số đã trở thành xu hướng toàn cầu khi chúng ta đã nhận thức rõ mục tiêu, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19 càng buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng. Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Hà cho rằng, định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn “chây ì” không chịu hoặc chưa thể chuyển đổi số. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này. Nguyên nhân một phần bởi chi phí chuyển đổi số khá cao và không phải doanh nghiệp nào cũng dám làm, nhất là khi chưa biết chắc chắn có thành công 100% hay không đang là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt.
Nguyên nhân nữa là do một số doanh nghiệp vì “lợi ích nhóm”, không muốn minh bạch thông tin dẫn tới tâm lý “ngại” chuyển đổi trong khi nhiều doanh nghiệp công nghệ có đầy đủ giải pháp chuyển đổi số phù hợp với tất cả các ngành nghề. Dẫn chứng cho việc này, ông Hà cho biết, ứng dụng thu phí tự động không dừng đã có từ lâu và không ai phủ nhận tính tiện ích của nó đối với người sử dụng. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, khi mà Chính phủ phải rất quyết liệt, sử dụng mệnh lệnh hành chính “ép” doanh nghiệp thực hiện thì ứng dụng này mới được đưa vào sử dụng.
Niềm tin thành công từ sức mạnh chuyển đổi số
Chất lượng dịch vụ vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng trong cơ chế thị trường có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải. Việc tiêu chuẩn hóa chất lượng vận tải hành khách trên nền tảng khoa học và công nghệ thích ứng với điều kiện kinh tế và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có động lực, giải pháp để nâng cao chất lượng vận chuyển và tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường vốn nhiều sự cạnh tranh này.
Công ty Hà Lan với sứ mệnh là doanh nghiệp vận tải tiên phong tại Thái Nguyên và trên cả nước, luôn đi đầu trong việc cung cấp phương tiện, phục vụ việc đi lại, di chuyển cho người Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc với chất lượng phục vụ tận tình, chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Bà Đỗ Mai Hương, Giám đốc chi nhánh xe buýt, công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan cho biết, bằng việc áp dụng chuyển đổi số cùng với mô hình đầu tư và quản lý tập trung, Hà Lan trở thành “cánh chim đầu đàn” trong ngành vận tải hành khách trong khu vực.
>> Lợi ích của chuyển đổi số cho doanh nghiệp: Tốc độ, tinh gọn và dữ liệu
>> Chuyển đổi số - Doanh nghiệp cần chủ động từ nhu cầu thực tế
Qua 19 năm hoat động, Hà Lan hiện đã có gần 300 phương tiện được người dân Việt Nam tin tưởng lựa chọn làm bạn đồng hành với tổng hơn 10 triệu hành trình mỗi năm.
Để đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng và ngày một nâng cao chất lượng phục vụ, Hà Lan luôn lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu đi lại của khách hàng và cải tiến sản phẩm, dịch vụ mỗi ngày.
“Sứ mệnh tiên phong” không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là động lực thúc đẩy toàn Công ty không ngừng cải tiến và phát triển để trở thành đơn vị dẫn đầu, bà Hương cho hay.
Thời gian tới, công ty Hà Lan sẽ cho ra mắt sản phẩm “vé điện tử” áp dụng cho toàn hệ thống xe buýt của công ty. Theo đó, vé xe điện tử sẽ thay thế cho loại hình vé giấy hiện tại, thủ công và tốn chi phí in ấn, thời gian mua vé. Công ty Hà Lan xác định, khi áp dụng vé xe buýt điện tử, ngoài việc tiện lợi và chính xác minh bạch, còn thể hiện sự văn minh đối với phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý doanh thu chính xác và xác định nhu cầu, thói quen đi lại của người dân để thực hiện điều chỉnh kế hoạch phục vụ hành khách dễ dàng và thuận tiện nhất.
Việc triển khai vé điện tử là xu hướng tất yếu và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng cho các loại hình vận tải công cộng bao gồm xe buýt và tàu điện ngầm, đường sắt đô thị.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay, cả người dân, nhà nước và doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ việc triển khai dịch vụ này. Vé điện tử sẽ tạo điều kiện cho quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách giá vé để thu hút khách đi xe buýt, đồng thời mang lại lợi ích cho cả khách hàng. Do đó, cần có sự ủng hộ của người dân để dự án thành công.
Đây là bước đi đột phá trong việc hướng tới sự hài lòng của khách hàng, đem lại sự tiện lợi nhất đối với các khách hàng sử dụng dịch vụ phương tiện công cộng của tỉnh Thái Nguyên và khu vực Bắc Bộ.