>>>Chuỗi cung ứng ngắn "kéo” doanh nghiệp gần hơn với nông dân
Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm địa phương ngày càng tăng cao bởi các đặc tính “bản sắc địa phương”, “tự nhiên”, “lành mạnh” và “đáng tin cậy”. Cùng với đó giúp nâng cao thu nhập cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ, hợp tác xã,… được xem là khởi nguồn thiết lập các chuỗi cung ứng ngắn.
Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên xác định chè là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, là thế mạnh đặc biệt của tỉnh.
Chuỗi cung ứng ngắn nông sản thực phẩm địa phương
Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: với tỉnh Thái Nguyên cây chè là một trong những cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường, là cây xoá đói giảm nghèo và làm giàu của nông dân Thái Nguyên. “Chè Thái Nguyên” đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây hoạt động của chuỗi cung ứng mặt hàng chè Thái Nguyên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập từ khâu cung cấp cho đến khâu tiêu thụ. Các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, giảm chi phí... ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Do đó đã làm giảm hiệu quả trong kinh doanh, khả năng cạnh tranh mặt hàng chè Thái Nguyên trên thị trường.
Để đáp ứng được các yêu cầu này thì phát triển chuỗi cung ứng ngắn chính là một trong những giải pháp hữu hiệu, đang dần trở thành một phương thức thương mại phổ biến trên toàn cầu, dần thay thế cho các phương thức thương mại truyền thống, với những ưu điểm như: Giảm tối đa các khâu trung gian; Duy trì và truyền đạt tính xác thực và độc đáo của sản phẩm nông sản; Mang lại lợi ích và tác động tích cực trên các góc độ kinh tế, xã hội và môi trường,…
Khi tỉnh Thái Nguyên phát triển chuỗi cung ứng ngắn chè Thái Nguyên, sẽ tận dụng được các mặt lợi thế như: sự liên kết giữa người trồng, chế biến chè là các hộ nông dân, HTX khá chặt chẽ với nhau. Các hộ trồng chè sẽ có sự kết nối chia sẻ thông tin về: giống, giá, chất lượng chè, thị trường tiêu thụ,… Qua đó, mặt hàng chè Thái Nguyên tạo dựng cho mình được đẳng cấp chất lượng toàn cầu, nâng tầm giá trị xuất khẩu.
Ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch Liên hiệp HTX chè Thái Nguyên – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Thái Nguyên cho rằng: Khi chuỗi cung ứng ngắn đi vào hoạt động, mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng sẽ được trao đổi trực tiếp, cởi mở và thấu đáo hơn, từ đó nâng cao sự gắn bó giữa các thành viên quan trọng trong xã hội. Trong khi đó về mặt môi trường, khi chuỗi cung ứng ngắn đi vào hoat động, các chi phí về thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cũng sẽ giảm bớt đáng kể, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường xã hội.
Qua khảo sát thực tế, tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong chuỗi cung ứng có thể nhận định rằng: Mức liên kết giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng chè Thái Nguyên còn thấp. 36% số doanh nghiệp và 35% số hộ trồng chè chưa tham gia vào các hoạt động chung của chuỗi cung ứng.
Vì vậy để thương hiệu chè Thái Nguyên, đảm bảo chất lượng và sản lượng, mở rộng quy mô thị trường trong nước và quốc tế. Thì tỉnh Thái Nguyên phải từng bước xây dựng chuỗi cung ứng ngắn và tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá, điển hình là Festival Chè Thái Nguyên, nhằm quảng bá hình ảnh về sản phẩm chè của tỉnh;
Đồng thời để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngắn ký kết hợp đồng với các hộ sản xuất chè về cung cấp số lượng chè, đảm bảo lợi ích cho người trồng chè, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Như vậy chủ thể chính của chuỗi cung ứng ngắn chính là các nông dân, nông hộ, trang trại, hợp tác xã, vừa sản xuất vừa tổ chức cung ứng nông sản thực phẩm trong thị trường địa phương, và sự gắn kết với người tiêu dùng được xem là điểm cốt lõi đảm bảo thành công của chuỗi này.
Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng ngắn sẽ giúp các HTX sản xuất chè Thái Nguyên mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho thành viên, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm của các HTX sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Xây dựng thương hiệu chè - Thu hút khách du lịch
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ định hướng tìm hướng đi cho cây chè.
Tại vùng chè đặc sản Tân Cương, đến nay đã hình thành một số sản phẩm du lịch hấp dẫn. Không gian văn hóa trà Tân Cương - nơi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà, đang ngày càng hấp dẫn du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Tỉnh Thái Nguyên chủ trương gắn Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển du lịch của tỉnh với du lịch vùng chè, như: đầu tư 3 mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm chè với diện tích 120 ha gần Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc với hạ tầng đồng bộ, thiết kế, trồng chè khoa học, chỉnh trang nương chè đẹp mắt, sản xuất chè theo hướng hữu cơ; tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm hái, chế biến chè, tăng cường tuyên truyền để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng chè. Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào vùng chè.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong thu hút đầu tư vào vùng chè là tích tụ đất đai”. Tỉnh đang có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn về tích tụ đất đai nhằm thu hút đầu tư vào vùng chè. Như vậy mới có điều kiện đẩy nhanh tiến trình sản xuất chè theo theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ, cải tiến hơn nữa mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm từ chè để đẩy mạnh xuất khẩu.
Từ đó tạo các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm, để mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng, người sản xuất.
Lợi thế từ chuỗi cung ứng ngắn cho mặt hàng chè Thái Nguyên
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp – Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Hiện nay, Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước, đứng thứ 2 sau tỉnh Lâm Đồng với diện tích chè của tỉnh có hơn 19.100 ha, trong đó có hơn 17.000 ha chè kinh doanh, năng suất đạt 110,97 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 190 nghìn tấn.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển cho ngành chè từ khâu cung cấp giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho sản xuất đến khâu chế biến đã làm cho diện tích, sản lượng, năng suất và chất lượng tăng đều hàng năm, góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất của chè cho giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, mặt hàng chè Thái Nguyên đã xây dựng được nhãn hiệu Chè Thái Nguyên và các thương hiệu: Chè Tân Cương, chè La Bằng, chè Trại Cài,…nổi tiếng trong nước và xuất khẩu.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng chè Thái Nguyên, tuy nhiên chuỗi cung ứng mặt hàng chè Thái Nguyên còn có nhiều vấn đề tồn tại ở các khâu, cụ thể:
Khâu sản xuất: Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất với các doanh nghiệp chế biến. Các hộ nông dân trồng chè thì luôn phải lo lắng với hiện trạng được mùa rớt giá, doanh nghiệp chế biến thì nguồn nguyên liệu không ổn định cả về chất lượng và giá cả.
Khâu chế biến: Chế biến chè chủ yếu được thực hiện theo phương pháp thủ công là chính. Các nhà quản lý của doanh nghiệp chế biến mặt hàng chè Thái Nguyên phải thay đổi cách thức quản lý chuỗi cung ứng mặt hàng chè, tạo kết nối giữa các thành viên một cách có hệ thống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hiện nay chuỗi cung ứng ngắn đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp, các ngành hàng và các quốc gia. Chuỗi cung ứng ngắn mặt hàng chè Thái Nguyên là rất cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, cho sự tồn tồn tại và phát triển cho mặt hàng chè Thái Nguyên.
Chúng ta tin tưởng rằng, mô hình tiên tiến “ chuỗi cung ứng ngắn” này sẽ sớm được nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận hợp lý của nhóm hàng nông sản cho người nông dân; đồng thời cũng đem lại lợi ích thiết thực về chất lượng hàng hóa và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Ông Hùng khẳng định.