Thái Nguyên tăng 4 bậc, đứng thứ 8 cả nước về chuyển đổi số

  • KIM DUNG
  • 11/08/2022
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021, tỉnh Thái Nguyên tăng 4 bậc so với năm 2020, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố.

>>> Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thăm Trung tâm Điều hành thông minh - IOC tỉnh Thái Nguyên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thăm Trung tâm Điều hành thông minh - IOC tỉnh Thái Nguyên

Quyết tâm cao, kỳ vọng lớn

Điểm DTI (Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia ) năm 2021 là tổng điểm của 9 chỉ số chính (với 98 chỉ số thành phần).

9 chỉ số chính được phân thành Nhóm chỉ số nền tảng chung (nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh) và Nhóm chỉ số về hoạt động (hoạt động chính quyền số, kinh tế số và xã hội số). Tại 3 trụ cột của chuyển đổi số, Thái Nguyên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành về chính quyền số; 5/63 tỉnh, thành về kinh tế số và 8/63 tỉnh, thành về xã hội số.

Đây là điều đáng mừng, là kết quả của một chủ trương đúng, đồng thuận cao, hành động quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh đến tất cả các sở, ngành, địa phương và sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Xuân Hòa cho biết, tỉnh bắt tay vào chuyển đổi số từ xuất phát điểm thấp. Nhưng kết quả Thái Nguyên đứng thứ 8 cả nước về Chỉ số DTI vừa được công bố đã phản ánh đúng những gì tỉnh làm được trong thời gian qua.

Điều này đã được các lãnh đạo tỉnh khẳng định tại nhiều hội nghị, diễn đàn về chuyển đổi số, thể hiện tinh thần chuyển đổi số của Thái Nguyên. Trong chuyển đổi số, tỉnh xác định rõ: Nhà nước dẫn dắt, doanh nghiệp triển khai, người dân, doanh nghiệp hưởng ứng; Người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ và thụ hưởng thành quả chuyển đổi số.

>> Tỉnh Thái Nguyên trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư lớn

>> Thái Nguyên lần đầu công bố Chỉ số DDCI

Với phương châm và quyết tâm chính trị đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025 là về Chương trình chuyển đối số, lấy ngày ban hành Nghị quyết là Ngày chuyển đổi số Thái Nguyên (tỉnh đầu tiên trong cả nước có Ngày chuyển đổi số (31-12).

Bám sát Kế hoạch số 80, tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều xây dựng lộ trình cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ, phần việc ưu tiên. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao trong chuyển đổi số. Các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương đều được tỉnh giao nhiệm vụ, động viên, khích lệ và hỗ trợ chuyển đổi số; đăng ký đảm nhận những phần việc, nội dung về chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: một số kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số của địa phương, khẳng định, sau hơn 1 năm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.

Hạ tầng Chuyển đổi số được hoàn thiện và bảo đảm thông suốt 100% trên địa bàn tỉnh. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia trên các lĩnh vực đang được các sở, ngành, địa phương tập trung tích hợp, đồng bộ, tạo nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn tỉnh và kết nối, liên thông với Trung ương. Duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính mức độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; đã cấp gần 1.400 chữ ký số.

Thái Nguyên phát huy vai trò làm điểm trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Trên lĩnh vực kinh tế số, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 10 tỷ USD. Các nền tảng xã hội số dùng chung như Zalo, C-ThaiNguyen, ThaiNguyên ID, Sổ tay sức khỏe điện tử,… tiếp tục được triển khai áp dụng trên diện rộng và từng bước mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tham luận tại Phiên họp lần thứ thứ 3 đánh giá kết quả chuyển đổi ngày 8/8/2022 tại Trụ sở Chính phủ. ( ảnh TTTTTN)

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tham luận tại Phiên họp lần thứ thứ 3 đánh giá kết quả chuyển đổi ngày 8/8/2022 tại Trụ sở Chính phủ. ( ảnh TTTTTN)

Để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, nhất là ở vùng sâu xa sử dụng các nền tảng số, Thái Nguyên đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các xóm, bản, tổ dân phố (là một trong những tỉnh triển khai giải pháp này sớm nhất). Toàn tỉnh đã thành lập 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 17.000 người tham gia; các Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng trực tiếp hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân tại cơ sở.

Đối với nền tảng Sổ tay đảng viên, đã xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử theo đúng tiến độ. Đến nay trên 83% đảng viên đã cài đặt, đăng ký thành công.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chia sẻ kinh nghiệm và kết quả triển khai mô hình Chợ 4.0. Đây là mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm hướng tới mục tiêu đưa chuyển đổi số len lỏi vào trong cuộc sống thường nhật, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay, từ đó hình hành thói quen và góp phần xây dựng các công dân số.

Đến nay, sau 3 tháng triển khai, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình Chợ 4.0 ở 11 chợ truyền thống trên địa bàn với trên 2.100 tiểu thương sử dụng và được người dân hưởng ứng tích cực.

"Để có được kết quả trên, thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên; sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương", ông Hùng nhấn mạnh.

Hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thành công của tỉnh

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên - Nguyễn Thanh Hải, những kết quả về chuyển đổi số của tỉnh thời gian gần đây mới chỉ là bước đầu, cần quyết tâm cao hơn nữa.

Thái Nguyên cũng đã xây dựng hoàn thành ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử “make in Thái Nguyên” để nhân rộng ra cả nước; triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và tại 3 thành phố trực thuộc; ứng dụng C-Thái Nguyên hiện đạt gần 230.000 lượt tải; 6.700 DN thực hiện khai thuế điện tử, triển khai thành công hóa đơn điện tử đạt 98,9%; … Những kết quả đó đều đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh Thái nguyên, được đánh giá, là tỉnh phát triển được nhiều nhất các ứng dụng số.

Các cấp, ngành trong tỉnh cũng đều đang tập trung cao cho chuyển đổi số, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu, để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu mà Kế hoạch số 80 đề ra, xây dựng Thái Nguyên trở thành một trung tâm chuyển đổi số.

Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong chuyển đổi số của Thái Nguyên thời gian tới, chuyển đổi số vẫn tiếp tục diễn ra toàn diện, nhưng cần lựa chọn lĩnh vực, nội dung ưu tiên, thiết yếu, phù hợp thực tế của từng ngành, địa phương; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhất là vào nguồn nhân lực.

Chuyển đổi số cần những công dân số, doanh nghiệp số, chính quyền số, Thái Nguyên xác định rõ điều đó và đang đi đúng lộ trình, vạch ra để đạt mục đích là lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

“Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định.

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn