Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên kiểm tra công tác đăng ký xe trên địa bàn huyện Đại Từ.
Vừa qua, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 46 địa phương thúc đẩy thực hiện Đề án dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Đồng chí Phó Thủ tướng đặc biệt biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã chủ động đi đầu, thí điểm triển khai một số nội dung thuộc Đề án 06 bảo đảm hiệu quả, mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Chuyện không riêng của lực lượng Công an
Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số. Ngay từ ngày 31/12/2020 (trước thời điểm Thủ tướng ký quyết định về Đề án 06), đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ký ban hành Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này.
Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả; các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Có thể nói, tỉnh Thái Nguyên đã có quyết tâm và hướng đi rõ ràng ngay từ đầu về chuyển đổi số, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nên khi Đề án 06 được ban hành thì địa phương này đã chủ động chuẩn bị về cả công tác tuyên truyền, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh nguồn nhân lực, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật...
Đặc biệt, sau buổi làm việc kiểm tra tiến độ triển khai Đề án 06 tại Thái Nguyên ngày 7/7/2022 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên đã chủ động mời Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an tiến hành khảo sát các điều kiện để hỗ trợ triển khai các nội dung của Đề án.
"Bộ Công an và UBND tỉnh Thái Nguyên sau đó đã thống nhất ban hành Kế hoạch số 827 về phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong năm 2022. Trong đó lựa chọn 4 xã, phường thuộc TP Thái Nguyên và TP Phổ Yên triển khai điểm số hoá, rà soát và làm sạch dữ liệu hộ tịch tên nền tảng Cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là bước ngoặt lớn để Thái Nguyên có cơ hội thử sức và khẳng định mình", đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên cho hay.
Theo Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, triển khai kế hoạch phối hợp, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và Công an tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng "mô hình điểm" để triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, đảm bảo 5 nhóm tiện ích: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. "Chúng tôi cũng phát huy vai trò của Tổ công tác tại cơ sở là hạt nhân trong hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, chuyển đổi số. Đồng thời, nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06", Đại tá Bùi Đức Hải nhấn mạnh.
Chỉ đạo tại các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định, nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 không riêng gì của ngành Công an. Ở Thái Nguyên, việc hiện thực hoá ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng được thể hiện rất rõ qua quyết tâm chính trị rất lớn của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; cùng với đó là sự chung tay vào cuộc của các sở, ban, ngành, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Đề án nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án 06 tại phường Bách Quang, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, tháng 7/2022.
Những "quả ngọt" đầu tiên
Sau hai tháng triển khai kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và UBND tỉnh Thái Nguyên, thành quả ban đầu đạt được khá ấn tượng. Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên gồm: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện, 178 xã, phường, thị trấn triển khai số hóa, làm sạch hơn 1,1 triệu dữ liệu hộ tịch của tỉnh với dữ liệu dân cư, đạt tỷ lệ 100%. Đáng chú ý, kết quả này giúp UBND tỉnh Thái Nguyên tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, từ dự kiến số hoá trong 3 tháng xuống còn hơn 40 ngày; tiết kiệm công sức, dữ liệu "đúng, đủ, sạch" và đưa vào sử dụng ngay, thuận lợi cho công tác và cải cách hành chính, là gốc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân.
Hồ sơ hộ tịch trên địa bàn tỉnh được số hoá sẽ tạo ra bộ dữ liệu dùng chung nhằm theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tư pháp, đồng thời góp phần xây dựng các chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và dân số, kế hoạch hóa gia đình. "Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có liên quan khai thác dữ liệu hộ tịch: khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận con nuôi; giúp quản lý người bệnh ở bệnh viện, quản lý công nhân tại khu công nghiệp, quản lý an sinh xã hội, giải quyết chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...", Thiếu tá Nguyễn Tùng Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thái Nguyên lý giải.
Để phục vụ số hoá dữ liệu hộ tịch, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp trang cấp cho Công an tỉnh Thái Nguyên 230 bộ máy tính, đảm bảo ít nhất mỗi xã, phường, thị trấn có 1 máy; những đơn vị phức tạp, đông dân cư có 2 máy. Đồng thời, giao chỉ tiêu mỗi máy gồm 2 người, 1 cán bộ Công an, 1 thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của xã, phường; các tổ làm việc 3 ca, cả thứ bảy, chủ nhật và đảm bảo ít nhất mỗi máy phải nhập được 200 dữ liệu hộ tịch/ngày.
Về công tác cấp CCCD, tính đến ngày 14/9/2022, lực lượng Công an toàn tỉnh Thái Nguyên đã cấp hơn 1 triệu CCCD gắn chip cho người dân, đạt 97%; cấp 82.388 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Trong đó, hơn 500.000 CCCD đồng bộ với bảo hiểm y tế; 100% cơ sở khám chữa bệnh (222 cơ sở) đã tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD. Hơn 1,3 triệu người có hồ sơ sức khoẻ điện tử và hơn 1,4 triệu lượt khám liên thông được kết nối với Hồ sơ sức khỏe điện tử... Trong số 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, Công an tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công thuộc trách nhiệm của mình; các sở, ngành đã thực hiện 11/14 dịch vụ công và hiện đang triển khai 3 dịch vụ công còn lại...
Thực hiện Đề án 06, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả bước đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, như: thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển Chính quyền số, Xã hội số như: "C-ThaiNguyen", "ThaiNguyen ID", Sổ tay đảng viên điện tử, khai trương mạng 5G…
"Nhiệm vụ của Đề án 06 đều là những nhiệm vụ mới, khó. Người đứng đầu các cấp sau khi nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06 cần "quyết tâm trong chủ trương, quyết liệt trong hành động" sẽ tác động đến trách nhiệm toàn bộ các cơ quan cấp dưới. Từ đó, xác định các nguyên tắc nhất quán, xuyên suốt, cụ thể hóa bằng những quy định, quy trình, quy chế để tổ chức thực hiện thống nhất, gắn với kiểm tra, đôn đốc quyết liệt từ địa bàn cơ sở, tạo hiệu ứng lan tỏa trong quá trình triển khai để đạt kết quả cao trong thời gian ngắn", Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng khẳng định. (Còn nữa)
Vai trò thường trực, thúc đẩy của Công an địa phương rất quan trọng Chỉ đạo Hội nghị trực tuyến đến Công an toàn quốc về đánh giá chỉ tiêu cấp CCCD và chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú 2020 về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chiều 30/9, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho rằng, Thái Nguyên vừa qua đạt kết quả cao là do sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, quyết tâm, trách nhiệm cao của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Công an tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò thường trực của Công an tỉnh Thái Nguyên trong tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh đôn đốc, thúc đẩy các sở, ngành thực hiện. "Giám đốc Công an các địa phương phải chỉ đạo thực hiện tốt vì vai trò thường trực, thúc đẩy của Công an là rất quan trọng, mang tính quyết định đến thành, bại của Đề án", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ và yêu cầu lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phải là người truyền cảm hứng cho CBCS ở từng cấp của đơn vị mình... |