Thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên): Thế và lực cho một tầm cao mới

  • baoxaydung.com.vn
  • 06/10/2022
Đó là bài viết được đăng trên Báo Xây dựng ngày 04/10. Tác giả phản ánh, thành phố Phổ Yên có một vị trí địa lý rất thuận lợi và quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập, đã và đang là địa phương có nhiều tiềm năng, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng hiện đại, công nghiệp - dịch vụ tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa cao… Tất cả đã kiến tạo cho Phổ Yên thế và lực mới, diện mạo mới của một thành phố năng động, phát triển cho hiện tại và tương lai. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Phối cảnh trung tâm hành chính thành phố Phổ Yên đang được đầu tư, xây dựng hàng nghìn tỷ đồng.

(Xây dựng) – Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đặc biệt là sự phát triển sôi động của một thành phố trẻ, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên) không những tạo cho mình một diện mạo mới, văn minh, hiện đại mà còn tạo ra thế và lực cho một tầm cao mới.

Vị trí địa lý thuận lợi

Thành phố Phổ Yên, Thái Nguyên có một vị trí địa lý rất thuận lợi và quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập. Từ xa xưa, Phổ Yên được coi là “phên dậu phía Bắc của Kinh thành Thăng Long”. Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 56 km về phía Bắc, cách thành phố Thái Nguyên 26km về phía Nam, phía Đông giáp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên và giáp huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, phía Tây giáp huyện Đại Từ, Thái Nguyên và huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, phía Nam giáp huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội và giáp thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, phía Bắc giáp hai thành phố Sông Công và Thái Nguyên.

Phổ Yên là trung tâm tổng hợp về công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đầu mối giao thông của tỉnh và là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa của Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Với sự phấn đấu, quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Từ một huyện thuần nông, năm 2015 huyện Phổ Yên trở thành thị xã. Năm 2018 được công nhận là một trong những địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 14/18 đơn vị xã đạt tiêu chí là nông thôn mới cấp huyện. Cuối năm 2019, Phổ Yên được công nhận là đô thị loại ba. Ngày 10/4/2022, thành phố Phổ Yên chính thức được ra đời bao gồm: 18 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 13 phường: Ba Hàng, Bãi Bông, Bắc Sơn, Đồng Tiến, Thuận Thành, Trung Thành, Tân Phú, Đông Cao, Tiên Phong, Tân Hương, Nam Tiến, Hồng Tiến và Đắc Sơn; 5 xã: Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, Thành Công và Vạn Phái.

Thành phố Phổ Yên có diện tích 258,42km2, dân số năm 2021 là 231.363 người, mật độ dân số đạt 895 người/km2. Phổ Yên có địa hình tương đối bằng phẳng, có tài nguyên khoáng sản phong phú, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa và nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt có hệ thống giao thông hết sức thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, nhất là tiếp giáp với sân bay quốc tế Nội Bài và nhiều khu công nghiệp tập trung... nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như thu hút đầu tư.

Với vị trí thuận lợi đó, thành phố Phổ Yên đã và đang là địa phương có nhiều tiềm năng và là nơi được nhiều nhà đầu tư lựa chọn gắn bó lâu dài và sự thật đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, điển hình là nhà máy Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình.

Nhà máy Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình đang giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Kinh tế phát triển năng động, bền vững

Trong hơn 20 năm đẩy mạnh thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (từ năm 2000 đến nay), Đảng bộ thành phố Phổ Yên đã lãnh đạo các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trên địa bàn phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo để khơi dậy những tiềm năng, lợi thế, huy động sức mạnh tổng hợp, vươn lên trở thành một địa phương phát triển năng động không chỉ của tỉnh Thái Nguyên mà còn cả của khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Sự phát triển nhanh, mạnh về cơ sở hạ tầng thời gian gần đây với hàng loạt các công trình, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn đã không những tạo tiền đề vững chắc mà còn làm thay đổi căn bản, toàn diện, diện mạo của thành phố.

Điển hình là khu quảng trường thành phố Phổ Yên đang được xây dựng là điểm nhấn đô thị giữa trung tâm thành phố. Với nhiều công trình tạo thành quần thể văn hóa - thể thao - công viên cây xanh với tổng diện tích khoảng 44ha gồm: Sân văn hóa sinh hoạt ngoài trời (khoảng 11ha), hồ điều hòa (khoảng 15ha), khuôn viên cây xanh - thể dục thể thao (khoảng 15ha), cung văn hóa - nhà hát (khoảng 3ha), đường giao thông nội bộ và các hạng mục kỹ thuật khác tại phường Nam Tiến và Ba Hàng. Dự án này có tổng mức đầu tư là 546 tỷ đồng.

Ngoài ra, Khu vực này cũng là nơi thành phố chọn xây dựng khu trung tâm hành chính mới, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023 cùng các hạng mục khác như: Công viên cây xanh, cung văn hóa - nhà hát… có tổng mức đầu tư các dự án khoảng 2.000 tỷ đồng.

Quảng trường thành phố Phổ Yên đang được đầu tư, xây dựng là điểm nhấn cho diện mạo trung tâm đô thị.

Cùng với hệ thống giao thông hiện có, nhiều tuyến giao thông huyết mạch đang được được nâng cấp, làm mới với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng như: Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, đường kết nối các tỉnh Vĩnh Phúc - Thái Nguyên - Tuyên Quang, Bắc Giang – Thái Nguyên, cùng nhiều tuyến giao thông nội thị… đã hình thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Tháng 12/2021, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) thành phố Phổ Yên, trung tâm điều hành thông minh cấp huyện đầu tiên của tỉnh đã chính thức khai trương, đánh dấu mốc mới trong giai đoạn xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, kết nối hình thành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, góp phần đẩy nhanh hiệu quả chuyển đổi số của chính quyền và các lĩnh vực của đời sống... tiến tới xây dựng Phổ Yên trở thành thành phố thông minh, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu của quốc gia.

Những năm gần đây, Phổ Yên cũng luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả miền Bắc nói chung với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm duy trì ổn định mức 25-30%; Công nghiệp - xây dựng đang giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Phổ Yên, với tổng giá trị đạt 47.706 nghìn tỷ đồng/năm; về mặt kinh tế - xã hội, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn của một số ngành chủ yếu ước đạt: 771.696,1 tỷ đồng.

Với sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, từ một huyện 80% nông nghiệp, đến nay công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm trên 97%, nông nghiệp còn khoảng 2,8%. Công nghiệp Phổ Yên chiếm tỉ trọng 92% toàn tỉnh, trong khi công nghiệp Thái Nguyên đứng thứ 4 toàn quốc và chủ yếu công nghiệp công nghệ cao.

Cuối năm 2021 giá trị xuất khẩu đạt 27 tỷ USD/năm, chiếm 97% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ( toàn quốc hơn 300 tỷ USD ). Thu ngân sách cả tỉnh đạt 18.000 tỷ đồng thì riêng Phổ Yên chiếm 7.000 tỷ.

Phổ Yên cũng là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư các khu đô thị, trung tâm thương mại.

Trên địa bàn thành phố Phổ Yên hiện có 3/6 khu công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích 690ha; 4 cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống với tổng diện tích 104,64ha. Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt thêm khu công nghệ cao rộng 546ha với kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 là 200ha, trong đó Phổ Yên có 146ha. Lãnh đạo tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư để biến khu này thành thành thung lũng silicon về công nghệ thông tin.

Phổ Yên cũng là địa phương dẫn đầu các huyện, thị, thành trong tỉnh và cả khu vực phía Bắc về thu hút đầu tư FDI với 28 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký trên 6,7 tỷ USD; 19 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 5.700 tỷ đồng. Riêng tổ hợp Samsung đã đầu tư 6,23 tỷ USD, xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 70.000 lao động, đang tiếp tục rót vốn thêm gần 1 tỷ USD để mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất, càng khẳng định sức hút của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, một tập đoàn của Hàn Quốc đã đồng ý đầu tư vào dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng vùng Hồ Suối Lạnh với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 387,55 tỷ đồng. Tập đoàn Saigontel và một số tập đoàn cũng đầu tư vào khu di tích vua Lý Nam Đế để phát triển thành quần thể di tích, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng.

Nhiều tập đoàn lớn như: Vinaconex 3, Kosy Group, Tập đoàn Tiến Bộ, Thái Hưng, Tập đoàn T&T... cũng bắt đầu hiện diện tại Phổ Yên với loạt dự án quy mô. Hiện, Phổ Yên đang triển khai ba khu đô thị và một khu dân cư với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,64%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người/năm.

Với vị trí địa lý thuận lợi, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng hiện đại, công nghiệp - dịch vụ tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa cao… Tất cả đã kiến tạo cho Phổ Yên một thế và lực mới, diện mạo mới của một thành phố năng động, phát triển cho hiện tại và tương lai.

Từ nay đến năm 2025, thành Phổ Yên phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể: Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 1.153.950 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 110 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 10%/năm và đến năm 2025 đạt 1.625 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Qua đó, tiếp tục khẳng định Phổ Yên là một thành phố công nghiệp, hiện đại, tạo nên hình ảnh mới về mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương Vua Lý Nam Đế.


baoxaydung.com.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn