Đại diện Sở Công thương cùng các sở, ngành tỉnh Thái Nguyên lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp
Quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách của tỉnh còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù doanh nghiệp địa phương.
Đó là các kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại trực tiếp do Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên tổ chức sáng ngày 04/8/2022.
Là hoạt động thường niên của Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên trên tinh thần cởi mở, cầu thị, hội nghị “Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022” đã được nghe ý kiến đóng góp của đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những kiến nghị đã được lãnh đạo Sở Công thương, các sở, ngành liên quan trực tiếp giải đáp, trao đổi với doanh nghiệp và đưa ra những giải pháp tháo gỡ.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên Phan Bá Trường, ngành Công thương Thái Nguyên luôn nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng; thẩm định, cấp giấy phép, giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực quản lý của ngành; tham gia ý kiến thiết kế cơ sở dự án đầu tư các công trình công thương; nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại góp phần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất.
Ngoài ra, Sở Công thương thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, thu hút đầu tư, hỗ trợ thị trường và tiêu thụ sản phẩm; tập trung xây dựng và đề xuất các cơ chế thu hút nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là chuyển đổi mô hình quản lý chợ, mô hình quản lý cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Các doanh nghiệp cho rằng cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù doanh nghiệp
Tại Hội nghị đối thoại đã có gần 30 vấn đề được đưa ra bàn thảo, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực lớn như: Các chương trình xúc tiến thương mại; chính sách đầu tư công; việc cấp quyền khai thác khoáng sản; giải pháp cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp nhận và phản hồi thông tin với doanh nghiệp…. Bên cạnh những nhóm vấn đề lớn, nhiều vấn đề thời sự liên quan đến chi phí đầu vào của nền kinh tế, lạm phát có xu hướng gia tăng … cũng được đặt ra và tìm giải pháp qua buổi đối thoại.
Điển hình, đại diện công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) trăn trở về các quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của mỏ khai thác và công nghệ chế biến củac doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Công thương, Sở Tài chính và các ngành liên quan xem xét lại công thức tính phí bảo vệ môi trường, phí cấp quyền khai thác khoáng sản để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch thường trực HHDN nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên.
Đồng tình với một số hạn chế, bất cập trong công tác QLNN hiện nay, theo ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT công ty CP khoáng sản An Khánh (Thành phố Thái Nguyên), hiện nay chuyển đổi số đã được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc, trong các thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã và đang triển khai chuyển đổi số rất nhanh và sâu, đặc biệt là hệ thống văn bản điện tử, chữ ký điện tử. Sự tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước vẫn còn thấp, việc xử lý văn bản còn mất nhiều thời gian. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông cần cấp cho mỗi doanh nghiệp “mã định danh” khi có nhu cầu để doanh nghiệp ban hành văn bản điện tử tương tác với cơ quan Nhà nước được nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Ông Phạm Đức Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Thái Nguyên.
Một số đại biểu khác tỏ ra băn khoăn về việc nâng cao chỉ số PCI cho Sở Công thương Thái Nguyên, đặc biệt ở các chỉ số thành phần như: chỉ số “Gia nhập thị trường”, chỉ số “Năng động, sáng tạo”,…
Trên cơ sở những vấn đề được các đại biểu đặt ra, lãnh đạo Sở Công thương đã trả lời, giải đáp nhiều nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên mong muốn các doanh nghiệp trên tinh thần cởi mở sẽ đưa ra nhiều đóng góp cho chính quyền tỉnh Thái Nguyên, cho ngành Công thương để có những giải pháp giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp cũng được phổ biến một số quy định mới của pháp luật về lĩnh vực công nghiệp, thương mại như: Quy định xuất khẩu vào EU đối với một số nhóm hàng, tổng quan về hiệp định RCEP và một số khuyến nghị… Đây là một trong những cơ sở để các doanh nghiệp nghiên cứu, nhận diện những cơ hội, thách thức cụ thể với ngành kinh doanh của mình.
Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên – Nguyễn Bá Chính
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên cho biết, những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương sẽ sẵn sàng tiếp thu, trả lời, xử lý, giải quyết ngay. Tuy nhiên, với những vấn đề vượt thẩm quyền, ngành Công thương sẽ tiếp tục có tham mưu với UBND tỉnh Thái Nguyên, đề nghị các ngành, lĩnh vực liên quan trả lời; đồng thời sẽ ban hành văn bản phúc đáp đầy đủ từng ý kiến để gửi đến các doanh nghiệp trong thời gian tối đa 07 ngày sau khi diễn ra Hội nghị đối thoại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Sở Công thương luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2022; tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo PCI của tỉnh Thái Nguyên cần phải tổ chức đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, tỉnh luôn khuyến khích các đóp góp, sáng kiến của DN nhằm rút ngắn quy trình giải quyết TTHC, tạo sự đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. |