Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo
GD&TĐ - Để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nhiều địa phương đã khắc phục những hạn chế, khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Đa dạng các mô hình phát triển kinh tế
Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên với 72,5% dân số toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt, chủ yếu là đồi núi cao. Trình độ dân trí không đồng đều, người dân chưa tiếp thu kịp thời kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; việc phát huy lợi thế về địa hình để phát triển nền sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại trong khu vực nông thôn còn hạn chế. Kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, số hộ nghèo của toàn huyện là 3600 hộ, chiếm tỷ lệ 20,29%, số hộ nghèo gần 1400 hộ, chiếm tỷ lệ 7,71%/
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Những năm qua, từ nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng bào vùng cao nơi đây đã và đang từng bước thay đổi tư duy, lựa chọn những giải pháp và phương thức sản xuất phù hợp để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đặc thù với địa phương.
Mô hình nuôi bò sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao
Anh Hoàng Văn Luyện, xóm Cầu Nhọ, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai cho biết: Năm 2019 gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã. Sau khi có chủ trương ưu tiên vay vốn ngân hàng, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 01 con bò giống và được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cùng với sự chăm chỉ, chịu khó trong lao động, sau hơn 3 năm trên mảnh đất khô cằn sỏi đá, đến nay, anh đã nhân lên thành 8 con bò, bình quân mỗi năm đẻ từ 5 – 6 con, cho thu nhập khoảng 60- 70 triệu đồng/năm, với mức thu nhập ổn định, gia đình anh Hoàng Văn Luyện đã trả xong vốn, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cũng như gia đình anh Hoàng Văn Luyện, anh Chu Thanh Hải, xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá chia sẻ: Sau khi có chủ trương về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở địa phương, anh Hải mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, hiệu quả sản xuất thấp để xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Đến nay, mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Hải cho biết thêm: Thanh long ruột đỏ rất thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, vốn đầu tư không lớn, chăm sóc lại đơn giản, không sâu bệnh. Khi trồng thanh long ruột đỏ cũng mau ra quả và trồng một lần thu hoạch được nhiều năm..” Với bản chất siêng năng, cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi, mô hình thanh long ruột đỏ đã đem lại thu nhập cao cho gia đình và góp phần mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình ở địa phương.
Thay đổi căn bản đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Từ thực tiễn cho thấy, việc triển khai các mô hình kinh tế giảm nghèo ở miền núi Thái Nguyên đã làm thay đổi căn bản đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thu hoạch thanh long ruột đỏ tại xã Tràng xá, huyện Võ Nhai
Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai khẳng định: Phấn đấu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Võ Nhai giảm 3%, hộ nghèo giảm 1%, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, đảm bảo người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và tiếp cận thông tin được hỗ trợ.
Để đạt được mục tiêu này, huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo; nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tập trung sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo…
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư theo phân kỳ giai đoạn 2022 – 2025 theo các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi.