Thái Nguyên được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt nhất quy hoạch tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giang Nam
Thái Nguyên được đánh giá là địa phương đầu tiên cảm nhận rõ dòng dịch chuyển đầu tư hướng tới Việt Nam, đặc biệt là sau khi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được thông qua.
Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, công nghệ cao
Cả 27 thành viên Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mặt hội nghị thẩm định diễn ra mới đây đã nhất trí thông qua bản quy hoạch với tầm nhìn đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh ở miền Bắc.
Theo mục tiêu mà Thái Nguyên xác định, đến năm 2025, tỉnh này là một trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch, dịch vụ; xây dựng TP. Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du miền núi Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2050, Thái Nguyên phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Để hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng trên, Thái Nguyên đề ra 6 khâu đột phá trong quy hoạch tỉnh, nổi bật trong đó là chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, công nghệ cao. Tỉnh cũng sẽ phát triển và mở rộng 12 khu công nghiệp, với tổng diện tích dự kiến 4.245 ha.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, địa phương này hiện là trung tâm công nghiệp của vùng trung du miền núi Bắc bộ, với sự xuất hiện tiêu biểu của “ông lớn” Samsung. “Chúng tôi có giá trị xuất khẩu đứng thứ 4 toàn quốc, đạt 29 tỷ USD năm 2021 và đây là năm thứ 3 liên tiếp xếp vị trí thứ 4”, bà Hải nói.
Một đột phá nữa cũng được Thái Nguyên xác định là đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. “Chúng tôi xác định đây là chìa khoá vàng giúp địa phương cất cánh, thực hiện khát vọng, giấc mơ của mình. Thái Nguyên hiện đứng thứ 12 về chuyển đổi số, đứng thứ 3 về chính quyền số”, bà Hải cho hay.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, chính quyền, nhân dân của tỉnh và các chuyên gia tư vấn đặt nhiều tâm huyết vào đây, với mục tiêu xây dựng bản quy hoạch không phải tốt nhất, mà hiệu quả nhất, phù hợp nhất, tương xứng nhất với tiềm năng của tỉnh.
Cảm nhận rõ nhất về dòng dịch chuyển vốn đầu tư
Ghi nhận Thái Nguyên là một trong những địa phương làm tốt nhất bản quy hoạch, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các giải pháp tạo đột phá của Thái Nguyên vẫn đang “hơi an toàn”.
Bộ trưởng phân tích, xu hướng dịch chuyển đầu tư đang có sự thay đổi lớn, trong đó nhiều doanh nghiệp nước
Tổ chức thực hiện quy hoạch sau này phải táo bạo và đột phá hơn, vì chúng ta hoàn toàn có điều kiện, lợi thế. Không mạnh dạn nắm lấy cơ hội thì sẽ lãng phí. - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
ngoài đang hướng dòng vốn vào thị trường Việt Nam. “Thái Nguyên là địa phương sẽ cảm nhận rõ điều đó đầu tiên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, để phát triển bền vững, Thái Nguyên cũng như các địa phương khác không nên phụ thuộc vào một doanh nghiệp lớn như Samsung và phải khai thác lợi thế của họ để đóng góp cho tỉnh và cả nước.
Do đó, Thái Nguyên phải có chiến lược mới, tư duy, tầm nhìn mới để bố trí không gian phát triển, khai thác được hết tiềm năng, lợi thế, mang lại lợi ích cao nhất cho địa phương, đất nước. “Tổ chức thực hiện quy hoạch sau này phải táo bạo và đột phá hơn, vì chúng ta hoàn toàn có điều kiện, lợi thế. Không mạnh dạn nắm lấy cơ hội thì sẽ lãng phí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các chuyên gia thẩm định cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên bổ sung, chỉnh sửa, giải trình một số nội dung chưa rõ trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, phát triển đô thị, kinh tế như: quy hoạch logistics đang bị coi nhẹ, cần cập nhật vào Quy hoạch tỉnh và có bố trí quỹ đất phù hợp; rà soát thêm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất, có giải thích chi tiết hơn về vị trí, mục đích chuyển đổi; hướng xử lý rừng tự nhiên chưa đưa vào Quy hoạch.
Ngoài ra, cần đánh giá về khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài để có sự điều chỉnh trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở đó bổ sung khả năng huy động vốn trong nước, ảnh hưởng của tình hình trong nước, thế giới để có hoạch định chiến lược tăng trưởng.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, cần bổ sung các tuyến giao thông công cộng phục vụ các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; phát triển hệ thống đường sắt đô thị; nghiên cứu hạ tầng giao thông kết nối 2 huyện Định Hóa, Võ Nhai với TP. Thái Nguyên...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý của các bộ, ngành và thành viên Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh, Thái Nguyên cần tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.