Công tác cải cách hành chính đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp
Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ đột phá, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính.
Việc tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đã giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện khác nhau.
Hiện, Thái Nguyên đã cung cấp 100% TTHC cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp và cung cấp 1.036 dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành được vận hành ổn định. Từ đầu năm đến nay, hệ thống nhận/gửi trên 930.000 văn bản điện tử giữa 1.886 đơn vị, ước tính tiết kiệm khoảng 3,8 tỷ đồng so với gửi qua đường bưu điện. Hệ thống đã được nâng cấp, bổ sung phiên bản di động (mobile) đảm bảo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành được thông suốt và không phụ thuộc vào vị trí địa lý (có kết nối mạng là thực hiện được công tác điều hành). Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, chỉ đạo các ngành liên quan triển khai xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh người dân; hồ sơ sức khỏe toàn dân; tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với chức năng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia… nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân của chính quyền tỉnh Thái Nguyên.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thái Nguyên có 310 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu ước tính 10 tỷ USD. Từ ngày 1/4/2022, Thái Nguyên triển khai viêc áp dụng hóa đơn điện tử đến từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, đã triển khai thành công hóa đơn điện tử cho 6.708/6.784 tổ chức, doanh nghiêp, hộ cá nhân kinh doanh, đạt 98,90%. Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; triển khai áp dung hóa đơn điện tử theo quy trình. Tỷ lệ khai thuế đã nộp/phải nộp ước đạt 100%; tỷ lệ khai thuế đúng hạn/số tờ khai đã nộp ước đạt 99,4%; có 34.722 tài khoản cá nhân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; 6.700 doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử và đăng ký tài khoản điện tử đạt 100%...
Đại diện Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng lộ trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao chỉ số ICT Index - thước đo mức độ phát triển về công nghệ thông tin và truyền thông, thước đo cho mức độ sẵn sàng phát triển, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực ở mỗi quốc gia... Đặc biệt, chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm mang lại sự cải thiện trong công tác quản lý tài chính công theo hướng hiện đại. Các hệ thống thông tin này sẽ góp phần quan trọng trong nỗ lực cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài chính - ngân sách của ngành tài chính. Có thể nói, hiệu quả của chuyển đổi số trong cải cách hành chính (CCHC) ở Thái Nguyên đã góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hành trình chuyển đổi số mà Thái Nguyên đã lựa chọn và đang thực hiện sẽ đưa địa phương tiến lên, hòa nhịp cùng sự phát triển; là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng tỉnh trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, với mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. |