Tâm huyết, sáng tạo dạy Lịch sử trên quê hương cách mạng ATK

  • giaoducthoidai.vn
  • 21/06/2022
Đó là bài viết được Báo Giáo dục và Thời đại đăng ngày 16/5. Tác giả phản ánh, bằng chính bài học từ những hoạt động trải nghiệm, nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử tại các trường trên quê hương ATK cách mạng Thái Nguyên luôn tâm huyết giúp học sinh phát triển tư duy nhằm đem lại những giá trị, ý nghĩa. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Cuộc thi "Dân ta phải biết sử ta" do Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình Thái Nguyên tổ chức

Nhằm góp phần đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, nhiều giáo viên các trường trên quê hương cách mạng ATK Thái Nguyên đang nỗ lực để đem lại những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa cho học trò.

Giúp học sinh phát triển tư duy

Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, nhiều giáo viên môn Lịch sử tại các nhà trường trên quê hương cách mạng ATK Thái Nguyên đang có nhiều cố gắng, tận tụy và không ngừng sáng tạo để môn học này thêm hấp dẫn, ý nghĩa.

Nhằm phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, thầy cô giáo nhiều trường học tại Thái Nguyên đã lồng ghép các hoạt động giáo dục truyền thống gắn với các di tích ngay tại địa phương.

Một hoạt động ngoại khóa lịch sử tại phòng truyền thống, trường THPT Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên

Tại trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên), các thầy cô giáo tổ bộ môn môn Lịch sử luôn cố gắng sinh động hóa các hình thức hoạt động giáo dục, để học trò hứng thú và thực sự biết trân trọng lịch sử. Các hoạt động như trải nghiệm di tích, ngoại khóa chuyên đề, vẽ tranh lịch sử… được học sinh đón nhận rất hứng thú. 

Cô giáo Phạm Thúy Hà (giáo viên Lịch sử, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên) cho biết: “Chúng tôi luôn nghĩ rằng trước hết bản thân mình phải thực sự tâm huyết thì mới tìm được phương pháp tốt trong dạy học, và từ đó học trò mới quan tâm yêu thích bộ môn".

Nhờ sự chủ động của giáo viên, những giờ học bộ môn Lịch sử cũng như các hoạt động giáo dục ngoại khóa về lịch sử của nhà trường thường có không khí cởi mở, sáng tạo và hấp dẫn. 

Kiến thức lịch sử được truyền đến người học một cách tự nhiên mà vẫn ấn tượng. Sau khi được thầy cô khơi gợi và khuyến khích, nhiều học sinh đã có những bài viết thu hoạch thể hiện được tư duy có tính logic và tổng hợp, khả năng nhận định vấn đề khá sâu sắc.

"Lịch sử không chỉ là dữ liệu, mà còn là những câu chuyện, vấn đề. Nếu giáo viên máy móc, thiếu sáng tạo, các em sẽ chỉ biết đến trước những con số hay sự kiện, không có điều kiện để cảm nhận, suy ngẫm, tư duy, nhận định” - cô giáo Phạm Thúy Hà nhấn mạnh. 

Bài học từ những hoạt động trải nghiệm

Thái Nguyên hiện có 1 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, 55 di tích Quốc gia, 221 di tích cấp tỉnh. Những giá trị truyền thống lịch sử này là niềm tự hào của thầy và trò vùng quê cách mạng. Đây cũng chính là nguồn "học liệu" ý nghĩa và sống động nhất trong việc giáo dục truyền thống nói chung, dạy học môn Lịch sử nói riêng. 

Học sinh trường THPT Định Hóa (Thái Nguyên) với hành trình về nguồn tại di tích lịch sử ATK ngay trên mảnh đất quê hương

Đối với trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa (Thái Nguyên), các giáo viên môn Lịch sử đã chủ động tổ chức nhiều hình thức mới mẻ, giúp cho môn học trở nên gần gũi và hấp dẫn với học trò. Đáng chú ý, việc thầy cô cùng học sinh tham gia trải nghiệm tại các di tích lịch sử của quốc gia và quê hương ngay tại địa phương đã đem lại những bài học thấm thía. 

Học sinh được nghe những câu chuyện từ các bác cựu chiến binh đã trực tiếp kinh qua chiến trận để hiểu hơn lịch sử. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các em được tham gia tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, tranh ảnh. Thậm chí, nhiều lớp còn tổ chức được nhiều hoạt động rất sáng tạo như diễn tiểu phẩm, thi kể chuyện về lịch sử... 

Nhờ cách làm này, học sinh đã chủ động hơn trong học tập, đồng thời năng lực sáng tạo, kỹ năng thực tiễn, khả năng làm việc nhóm của các em cũng được rèn luyện và phát huy. 

“Lịch sử là thầy giáo của cuộc sống, là tầm gương của muôn đời. Là giáo viên dạy môn Lịch sử, chúng tôi rất trăn trở, suy nghĩ để tìm ra những biện pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng và tạo sự lôi cuốn cho môn học. Trong nỗ lực tìm tòi sáng tạo đó, việc giáo viên khai thác nguồn tư liệu lịch sử trong dạy học sao cho hiệu quả là vấn đề đặc biệt quan trọng” - thầy giáo Phùng Đức Lai (trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, Thái Nguyên) chia sẻ một cách tâm huyết.

Lịch sử là môn học có tính đặc thù cao, mà đòi hỏi trước tiên là giáo viên cần thực sự tâm huyết mới có thể “truyền lửa” cho người học. Sự tận tụy, say mê trong mỗi giờ dạy học của thầy cô chắc chắn sẽ đem lại những bài học sâu sắc, ý nghĩa cho học trò.

"Chúng tôi luôn mong muốn và khuyến khích các trường, các thầy cô giáo tìm ra những giải pháp, cách làm hay trong đổi mới công tác giảng dạy, để việc học tập truyền thống lịch sử trở thành động lực thu hút sự đam mê của học sinh, sinh viên, nhằm không ngừng vun đắp bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ".

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên.

 

giaoducthoidai.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn