Trải qua một năm 2021 nhiều biến động, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn đạt chỉ số tăng trưởng ấn tượng. Những nền tảng đã được thiết lập trong năm 2021 sẽ tạo đà cho sự phát triển của bất động sản công nghiệp Thái Nguyên năm 2022...
Năm 2021, biến thể Covid mới bùng nổ đã gây ra một số gián đoạn cho thị trường, dù vậy, nền kinh tế và hoạt động công nghiệp Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, với tổng giá trị đạt 668,5 tỷ US$, tăng 22,6% so với cùng kỳ, nhờ các Hiệp định thương mại tự do đã được thông qua trước đó.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 đạt 31,15 tỷ US$, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn FDI đến từ cả vốn đăng ký mới và tăng vốn, thể hiện cam kết vững chắc và niềm tin tích cực của các nhà đầu tư vào triển vọng thị trường công nghiệp Việt Nam.
THÁI NGUYÊN - ĐIỂM SÁNG THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHIỆP MIỀN BẮC
Với vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Thái Nguyên hiện là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã được chứng minh khi Thái Nguyên luôn là một trong những địa phương đứng đầu trong thu hút vốn FDI.
Đến hiện tại, Thái Nguyên có 7 khu công nghiệp tập trung và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện gần 2.600ha, trong đó đã có 5 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng và có các nhà đầu tư cùng 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.335 ha. Các khu công nghiệp thu hút được 239 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 8,662 tỷ USD và trên 16.000 tỷ đồng. Trong đó, có 139 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 8,7 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước với số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các lĩnh vực.
Đến nay, có 5/7 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đi vào hoạt động (khu công nghiệp Quyết Thắng đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng, khu công nghiệp Phú Bình mới được bổ sung quy hoạch) thu hút 240 dự án với tỷ lệ lấp đầy đạt 61%. Trong đó Khu A - khu công nghiệp Điềm Thụy đạt 100%, khu công nghiệp Sông Công II đạt tỷ lệ lấp đầy 96,81%, khu công nghiệp Yên Bình trên 92%. Doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt trên 30 tỷ USD và hơn 8.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022, Phổ Yên, Thái Nguyên ghi nhận mức thu hút đầu tư bổ sung 920 triệu USD của Tập đoàn Samsung tại dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam đưa Thái Nguyên trở thành đại phương xếp thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư FDI tính từ đầu năm đến nay, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước, chỉ sau Bắc Ninh.
PHỔ YÊN LÊN THÀNH PHỐ - ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG ĐẦU TƯ
Vừa qua, thông tin Phổ Yên chính thức lên thành phố với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Theo đó, Thành phố Phổ Yên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 258,42 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 231.363 người với 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 phường: Ba Hàng, Bãi Bông, Bắc Sơn, Đắc Sơn, Đông Cao, Đồng Tiến, Hồng Tiến, Nam Tiến, Tân Hương, Tân Phú, Thuận Thành, Tiên Phong, Trung Thành và 05 xã: Minh Đức, Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái.
Thành phố Phổ Yên được thành lập với 13 phường và 5 xã trực thuộc.
Cách Hà Nội 45 phút di chuyển về phía Bắc, Phổ Yên được xem là đầu mối giao thông kết nối tỉnh Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, là cực kinh tế phía Nam của tỉnh. Những năm trở lại đây, kinh tế Phổ Yên đã có những chuyển mình mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất địa phương ước đạt 771.696 tỷ đồng, đạt 100,6% kế hoạch tỉnh giao và 100% so với kế hoạch của Thị ủy giao, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của công nghiệp, xây dựng đạt 11%; thương mại - dịch vụ đạt 12%; thu ngân sách của thị xã vẫn đạt: 3.200 tỷ đồng, bằng 285,3% dự toán tỉnh giao, đạt 600% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, địa phương cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 với mức tăng trưởng GDP bình quân lên đến 18,6%/ năm, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước. Ngành kinh tế công nghiệp đóng vai trò quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại địa phương của Phổ Yên.
Tiêu biểu phải kể đến sự góp mặt của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) - với một trong những nhà máy lớn nhất thế giới tại Phổ Yên từ năm 2013 và không ngừng mở rộng. Sau khi Samsung đầu tư vào Phổ Yên, Thái Nguyên đã lọt vào top đầu các địa phương có xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho Samsung và giải quyết được bài toán về việc làm cho hàng nghìn lao động.
Đô thị hóa cùng làn sóng chuyển dịch lao động công nghiệp - kỹ sư, chuyên gia, cán bộ công nhân viên hoạt động tại các nhà máy khiến nhu cầu bất động sản nhà ở và dịch vụ bùng nổ. Cùng với sự phát triển mạnh của bất động sản công nghiệp, cơn khát thị trường với dòng bất động sản ven các khu công nghiệp lớn tại Phổ Yên ngày càng rõ nét khi các nhà đầu tư từ Hà Nội và các thị trường lân cận tập trung về đây.
Trong tương lai, khi hạ tầng giao thông, công nghiệp - đô thị phát triển đồng bộ, thị trường bất động sản Phổ Yên (Thái Nguyên) còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, hứa hẹn cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư.