Thái Nguyên: Khoa học công nghệ bám sát mục tiêu

  • KIM DUNG
  • 08/10/2022
Sở KHCN Thái Nguyên sẽ tập trung vào công nghệ mới, làm nền tảng cho chuyển đổi số, thúc đẩy chính quyền điện tử và đô thị thông minh của tỉnh.

>> Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

 Lãnh đạo tỉnh thăm quan gian hàng trong ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Lãnh đạo tỉnh thăm quan gian hàng trong ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong Những năm qua, cùng với sự phát triển của nền KHCN cả nước, ngành KHCN Thái Nguyên đã bám sát mục tiêu phát triển, ghi dấu ấn quan trọng, trở thành động lực, là giải pháp đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo TS.Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KHCN Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2022, Sở đã tham mưu cho Bộ KHCN, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt, triển khai thực hiện 166 đề tài, dự án KHCN các cấp; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển thị trường, doanh nghiệp KHCN. Toàn tỉnh có 884 sáng kiến, trong đó có 473 sáng kiến được công nhận.

>> Tỉnh Thái Nguyên trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư lớn

Thành tựu khoa học công nghệ

Sở KHCN đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp; Tổ chức xây dựng và áp dụng hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hưởng ứng và triển khai quyết liệt, đồng bộ tạo nên phong trào “Khởi nghiệp” lan tỏa, rộng khắp trong các trường đại học, cao đẳng và các cấp tổ chức đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã đạt giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2021 ở hạng mục “Thành phố hấp dẫn đổi mới khởi nghiệp sáng tạo”.

Đến nay, Sở đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 05 sản phẩm đặc sản của địa phương, gồm: 01 Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; 05 Nhãn hiệu chứng nhận; 19 nhãn hiệu tập thể, trong đó Đặc biệt Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên đã được bảo hộ tại 6 Quốc gia vùng lãnh thổ (Trung quốc, mỹ, Đài Loan, Nga, Nhật và Hàn Quốc); Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU). Đây là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên tại các thị trường quốc tế.

Các đề tài, dự án đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh ngày càng cao, giai đoạn 2019 - 2021 đạt 53%. Từ đó cho thấy, KHCN thực sự là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Để đồng hành với các doanh nghiệp, thời gian tới, Sở KHCN Thái Nguyên sẽ tập trung vào công nghệ mới, làm nền tảng cho chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

Sở sẽ tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các quy định về hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, thương mại hóa sản phẩm, quảng bá sản phẩm,…

Giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh đạt 12,7%. Sở đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, kết nối cung cấu công nghệ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quan tâm doanh nghiệp tham gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Có thể khẳng định, toàn cầu hóa đã giúp lĩnh vực KHCN của Thái Nguyên từng bước hội nhập, giao lưu, học tập kinh nghiệm với nền KHCN của thế giới, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội nhập quốc tế về KHCN gắn kết với yêu cầu thực tiễn của các ngành, địa phương. Sở cũng đã hỗ trợ, tư vấn thành lập được 5 doanh nghiệp KHCN; đang ươm tạo khoảng 10 doanh nghiệp KHCN cao.

Bà Ma Thị Trang, Giám đốc Công ty CP Khoa học sự sống cho hay: “Trong suốt thời gian khởi nghiệp, doanh nghiệp đã được Sở KHCN Thái Nguyên hỗ trợ về pháp lý, đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu và phát triển tài sản trí tuệ. Đến nay, thương hiệu Cordyhappy của Công ty đã đăng ký bảo hộ thương hiệu thành công”.

Ông Chính nhấn mạnh, KHCN là lĩnh vực mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, mang KHCN mới đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vù đời sống xã hội. Những quy trình sản xuất mới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới quy trình công nghệ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư chiều sâu thúc đẩy phát triển KHCN.

Tỉnh Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên trong cả nước hỗ trợ doanh nghiệp về đo lường được doanh nghiệp đánh giá rất cao, hỗ trợ về truy suất nguồn gốc trong cả quá trình sản xuất. Tới đây, Chính phủ áp dụng Bộ chỉ số đo lường năng lực đổi mới sáng tạo (PII) cấp tỉnh. Thái Nguyên được chọn làm địa phương thí điểm về “Khung chỉ số đổi mới sáng tạo”.

Với những người làm trong ngành KHCN tỉnh Thái Nguyên nói riêng cả nước nói chung mong được quan tâm từ Chính phủ, các cấp chính quyền, sở, ban, ngành tỉnh cùng đồng hành, chia sẻ, để KHCN thực sự là động lực phát triển chung của tỉnh.

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn