Hội Phụ nữ TP Thái Nguyên với tuyến đường không rác, góp phần bảo vệ môi trường.
Thái Nguyên đang là địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội rất cao. Tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thành lập TP Phổ Yên. Tốc độ phát triển nhanh luôn đi kèm với mặt trái về vệ sinh môi trường. Để giải “bài toán” đó, các cấp MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, nhằm bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.
Sống gần các khu vực khai thác than luôn là nỗi băn khoăn, ám ảnh của bất kỳ người dân nào. Bởi khai thác than đi kèm theo một lượng lớn bụi được xả vào môi trường, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, những vấn nạn môi trường tại các khu dân cư xung quanh Công ty Than Núi Hồng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) những năm gần đây đã giảm hẳn. Thông qua hoạt động vào cuộc giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đối với vấn đề gây ô nhiễm của Công ty Than Núi Hồng, Công ty đã tích cực triển khai các biện pháp chống ô nhiễm.
Năm 2020, Than Núi Hồng đã đầu tư hệ thống phun sương tại các vị trí ngoài công trường trị giá 1.386 tỷ đồng. Hoạt động này giúp giảm bụi bay đến các khu dân cư. Công ty đã tiến hành đo quan trắc môi trường lao động tại các đơn vị theo đúng quy định của pháp luật đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời. Toàn bộ nguồn dữ liệu được quan trắc gửi trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên.
Ông Đặng Quốc Toản, xóm Đoàn Kết, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Những năm gần đây, hệ thống mương máng được xây dựng, chỉnh trang nên nước thải từ công ty Than có chỗ thoát ra nên ô nhiễm môi trường nước giảm đi rất nhiều so với trước. Do vậy, nước ở suối về rất trong, còn đường xá thì được phun nước suốt ngày nên đỡ bụi rất nhiều”.
Giám sát và phản biện xã hội là một trong những nội dung quan trọng của MTTQ và các tổ chức đoàn thể nhân dân nhằm bảo đảm dân chủ, thực thi pháp luật. Tỉnh Thái Nguyên đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động xây dựng đô thị; chế biến, sản xuất kinh doanh gia tăng nên không tránh khỏi tác động đến môi trường.
Để giảm thiểu những tác động đó, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc thanh tra, kiểm tra; mở rộng mạng lưới quan trắc tại các khu vực “điểm nóng”; tăng cường, hiện đại hóa thiết bị quan trắc, giám sát môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát tự động các nguồn thải và diễn biến chất lượng môi trường; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin vụ việc được phản ánh từ cơ sở; giải quyết các kiến nghị của cử tri về môi trường...
Tuy nhiên, các biện pháp này không tránh được những kẽ hở. Việc Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường vừa giúp kịp thời phát hiện những “lỗ hổng”, vừa bảo đảm quyền lợi của nhân dân, tăng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bảo vệ môi trường.
Ngoài giám sát định kỳ, MTTQ các cấp còn tổ chức các hoạt động quan trắc môi trường, theo dõi, giám sát các hoạt động xả thải đột xuất, nâng cao vai trò giám sát của người dân; kiến nghị chỉ đạo nghiêm việc thực hiện kết luận sau thanh tra đối với những đơn vị vi phạm. Hoạt động giám sát tại Công ty Than Núi Hồng chỉ là một trong số đó.
Không chỉ quan tâm giám sát ở những điểm nóng, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và các đoàn thể nhân dân còn vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn, giám sát việc phân loại rác thải từ các gia đình. TP Thái Nguyên là một trong những địa bàn triển khai hiệu quả việc phân loại rác. Mỗi gia đình có ba thùng rác khác nhau: Thùng màu xanh đựng rác phân hủy được, màu đỏ chứa rác không đốt được, còn màu trắng đựng rác tái chế được như chai, lọ, lon bia…
Các hộ thuộc tổ dân phố 26, phường Quang Trung (TP Thái Nguyên) đã thực Đề án Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được hơn 3 năm nay. Để thực hiện tốt việc phân loại này, các hộ trong tổ dân phố đã thành lập Tổ tự quản để giám sát việc phân loại rác thải của từng hội viên. Các loại rác thải tái chế được thu gom, bán và tạo nguồn vốn giúp đỡ những gia đình khó khăn.
Bà Nguyễn Hồng Tiến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 26 chia sẻ về hiệu quả của việc thực hiện phân loại rác: “Đường sạch đẹp hơn và đồng thời mình có một khoản tiền nho nhỏ từ rác thải tái chế. Từ đó chị em có kinh phí giúp đỡ những chị em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Dung, tổ 3, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Tôi tuyên truyền tới mọi người để nắm được tác dụng của việc phân loại rác thải tại nguồn như thế nào, đường phố sạch sẽ hơn và từ đó bà con không vứt rác ra đường nữa”.
Các hoạt động giám sát về bảo vệ cảnh quan, môi trường không chỉ thực hiện một lần mà đều có giám sát lại, giám sát kết quả để tránh việc giám sát chỉ mang tính thời điểm, không bao quát hết được các vấn đề liên quan. Ông Đàm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Việc giám sát đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Người dân giám sát nhiều hoạt động khác nhau thông qua hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát trực tiếp thông qua Luật Khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nội dung giám sát về bảo vệ cảnh quan, môi trường được quan tâm. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là công việc của riêng một cơ quan, tổ chức mà là sự quan tâm chung của cả hệ thống chính trị, của các đoàn thể xã hội. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trong bảo vệ môi trường, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Ủy ban MTTQ các cấp tăng cường hoạt động giám sát, bảo vệ môi trường trên địa bàn; tăng cường vai trò tham vấn các chính sách về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vận động các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng tham gia đóng góp cho việc bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.