Thái Nguyên: Cấp thiết xây dựng nhà ở cho công nhân

  • baoxaydung.com.vn
  • 14/02/2022
Đó là bài viết được đăng trên Báo Xây dựng ngày 01/02. Tác giả phản ánh, Thái Nguyên hiện có tới trên 230 nghìn công nhân, viên chức, lao động, trong đó có trên 156 nghìn đoàn viên, 106 nghìn công nhân, người lao động (CN-NLĐ) làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Do vậy, nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất cao, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho CN-NLĐ trong các KCN, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung là một vấn đề hết sức cần thiết. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Cần xây dựng nhà ở công nhân KCN.

(Xây dựng) - Thái Nguyên là tỉnh thu hút một lượng lớn công nhân, người lao động do tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công nhân, người lao động chưa thể tiếp cận được với nhà ở chất lượng để đảm bảo cuộc sống và yên tâm gắn bó với DN. Chính vì vậy, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động là một vấn đề cần thiết tại tỉnh này.

Nhu cầu nhà ở công nhân rất cao

Trong các giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, liên quan đến công nhân, người lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã từng nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, NƠXH, xây dựng các thiết chế văn hóa ở khu vực tập trung đông dân cư, người lao động làm việc tại các KCN là hết sức cần thiết. Theo Kế hoạch năm 2022, sau Tết Nguyên đán, tỉnh sẽ tổ chức khởi công dự án NƠXH đầu tiên của tỉnh với quy mô gần 15 ha, đối diện KCN Yên Bình. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 kéo dài, vấn đề 3 tại chỗ là hết sức cần thiết. Tỉnh phải làm sớm các NƠXH, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của hàng nghìn công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 23/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết cũng đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bao gồm xây dựng đề án phát triển NƠXH tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng tham mưu lập đề án phát triển NƠXH tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển NƠXH trong những năm tiếp theo.

Tỉnh Thái Nguyên đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất”, sau khi triển khai thực hiện đề án sẽ đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu cho công nhân trong KCN như: Các công trình nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội như: Cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị, dịch vụ thương mại...

Thực tế cho thấy, Thái Nguyên là một địa phương tập trung số lượng lớn DN, đến nay toàn tỉnh có tới trên 230 nghìn công nhân, viên chức, lao động, trong đó, có trên 156 nghìn đoàn viên, 106 nghìn công nhân, người lao động làm việc tại các KCN tập trung, do vậy nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất cao, trong khi hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chỉ có 3 dự án nhà ở cho công nhân KCN mới đáp ứng được 17.195 công nhân, chưa được một nửa nhu cầu thực tế. Do đó, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN tập trung, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hạn chế các vấn đề xã hội khác, để họ yên tâm gắn bó với DN nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung là một vấn đề hết sức cần thiết.

Khó khăn trong thu hút đầu tư

Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên Phạm Việt Dũng: Trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho phát triển NƠXH; đặc biệt các đồ án quy hoạch chi tiết của dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, không phân biệt quy mô, diện tích tại các đô thị có quy hoạch từ loại III trở lên đều dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án NƠXH nào được đầu tư xây dựng hoàn thành do việc thu hút nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn; mặt khác do thời gian thu hồi vốn lâu, lợi nhuận không cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, cơ chế tài chính chưa tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư; bên cạnh đó, sự ràng buộc bởi cơ chế chính sách phát triển NƠXH khiến việc kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, dẫn đến các nhà đầu tư còn e dè. Một số nhà đầu tư thực hiện dự án cầm chừng khiến cho đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên chưa có dự án NƠXH nào được đầu tư xây dựng hoàn thành để giải quyết nhu cầu ở cho công nhân, người lao động và đối tượng người thu nhập thấp tại đô thị.

Hiện nay, việc hỗ trợ xây dựng, mua NƠXH cho người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được thực hiện dưới hình thức vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở theo Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý và phát triển NƠXH; từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã được Trung ương giao vốn vay 59,67 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2021 đã được giao 15 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân nguồn vốn vay này cho các đối tượng người lao động, công nhân và người có thu nhập thấp vay để cải thiện nhà ở. Ngoài ra, do ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên chưa có chính sách hỗ trợ thêm cho việc đầu tư phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh.

Samsung Thái Nguyên xây dựng nhà ở công nhân

Bên cạnh dự án phát triển NƠXH, nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp do tỉnh triển khai, để chủ động nguồn cung lao động, một số DN đã chủ động xây dựng chỗ ở cho người lao động. Điển hình như: Công ty Điện tử Samsung Thái Nguyên, Việt Nam xây dựng 28 tòa nhà 6 tầng, quy mô 3.549 phòng, đáp ứng chỗ ở thường xuyên cho 10.000 người, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhằm hỗ trợ công nhân, người lao động hạn chế di chuyển qua các vùng có dịch, công ty đã bố trí thêm 5.000 chỗ ở cho người lao động.

Bên cạnh đó, công ty còn xây 2 tòa phúc lợi có đầy đủ các dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống của người lao động: Siêu thị, phòng tập gym, câu lạc bộ, tiệm cắt tóc, quán cà phê, rạp chiếu phim… hay tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG xây 2 khu nhà ở cho 600 người lao động, đồng thời xây dựng một khu nhà ở ưu đãi cho người lao động với quy mô 160 căn, trong đó có 40 căn người lao động đã mua với giá ưu đãi và đang sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty cũng mới chỉ đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu của người lao động.

Cần lộ trình cụ thể

Việc phát triển nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp và hạ tầng xã hội có liên quan vừa giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động vừa là xu hướng phát triển đô thị của tỉnh tất yếu trong tương lai. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thái Nguyên, nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động tại các KCN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.590 người; giai đoạn từ 2026 - 2030 khoảng 2.653 người. Tại các chương trình tiếp xúc đối thoại năm 2020, 2021 giữa lãnh đạo tỉnh với người lao động trên địa bàn, vấn đề về nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp luôn được người lao động quan tâm, đề xuất.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và để lại hậu quả nặng nề trên phạm vi cả nước, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Sau khi thiết lập trạng thái bình thường mới, nhiều KCN thiếu nguồn cung lao động nghiêm trọng do người lao động ngoại tỉnh không trở lại làm việc. Một trong những nguyên nhân là người lao động không có chỗ ở ổn định tại các KCN.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng: Việc triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, NƠXH cho người có thu nhập thấp sẽ có rất nhiều lợi ích xã hội: Giảm chi phí, phương tiện đưa đón người lao động cho DN; giảm áp lực giao thông và hệ thống hạ tầng xã hội trong đô thị (y tế, giáo dục, dịch vụ, vui chơi giải trí…) thậm chí cả an ninh trật tự do một lượng lớn người lao động đang phải tạm trú phân tán trong các khu nhà trọ; đặc biệt còn giảm thời gian và chi phí của người lao động do phải di chuyển một quãng đường dài từ nơi ở tới nơi làm việc; giảm nguy cơ đứt gãy nguồn cung lao động khi dịch bệnh bùng phát.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Liên đoàn lao động Thái Nguyên, ông Phan Đức Cường - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên cũng nhấn mạnh: Nhu cầu nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất lớn, nhưng các DN và địa phương chưa đáp ứng được. Do đó, tình trạng các nhà trọ tự phát, kém chất lượng do người dân xây dựng mọc lên nhan nhản quanh các khu, cụm công nghiệp. Điển hình như địa bàn thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, có tới gần 30 nghìn công nhân thuê nhà trọ, trong đó thị xã Phổ Yên có gần 20 nghìn công nhân. Vì vậy cần có nhà ở cho công nhân để quản lý tập trung, về lâu dài là cải thiện điều kiện chỗ ở, ổn định đời sống công nhân, để họ yên tâm, gắn bó sản xuất. Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, hiện nay trong các quy hoạch mới, Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên đều đề nghị có quy hoạch nhà ở công nhân, điều đó không những đảm bảo an sinh mà còn đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là công tác phòng chống dịch như vừa qua.

Việt Hoan
baoxaydung.com.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn