Thái Nguyên: Ngăn chặn tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép

  • baoxaydung.com.vn
  • 02/11/2021
Đó là bài viết được đăng trên Báo Xây dựng ngày 28/9. Bài viết phản ánh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến tích cực. Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số địa phương chưa được xử lý dứt điểm

(Xây dựng) - Đó là 1 trong 8 nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 vừa được UBND tỉnh Thái Nguyên ký, ban hành.

Thái Nguyên là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như: Vonfram, than, sắt, thiếc, chì, kẽm... Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: Vonfram đa kim trữ lượng khoảng 110 triệu tấn (lớn thứ hai thế giới) ở khu vực Núi Pháo (huyện Đại Từ); than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn (đứng thứ hai cả nước) tập trung ở các mỏ Núi Hồng, Làng Cẩm (huyện Đại Từ), Phấn Mễ (huyện Phú Lương), Khánh Hòa (thành phố Thái Nguyên); quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn tập trung chủ yếu tại Trại Cau (huyện Đồng Hỷ)…

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản từng bước được chấn chỉnh, dần đi vào nền nếp, nạn khai thác khoáng sản trái phép cơ bản được ngăn chặn. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản được giữ vững và ổn định... Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản vẫn còn một số tồn tại, nhất là tình trạng khai thác khoáng sản (cát, sỏi, đất san lấp...) trái phép ở một số địa phương như: Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công... chưa được xử lý dứt điểm.

Đặc biệt, ngày 25/8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 bị can trong đó có 4 bị can là lãnh đạo, nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước, trụ sở tại xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng (Đại Từ) vì có hành vi “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" tại mỏ than Minh Tiến.

Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tăng nguồn thu ngân sách; ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép… ngày 20/9/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 2986/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu nói trên, Thái Nguyên yêu cầu các cấp, ngành phối hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tập trung vào công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, nêu bật trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, việc thực hiện ký cam kết, chấp hành các chỉ định theo giấy phép khai thác, quy định pháp luật về khoáng sản của doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành tuân thủ thiết kế mỏ, công suất khai thác và việc chấp hành nghĩa vụ tài chính đối với mỏ được cấp phép trong kỳ hạn...

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý khoáng sản của tỉnh và các huyện có nhiều khoáng sản; tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm đến từng thành viên...

Tại các huyện, thành phố, thị xã có ít khoáng sản, tỉnh vẫn yêu cầu thành lập Tổ công tác liên ngành quản lý khoáng sản. Các địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực giáp ranh giữa Thái Nguyên với các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thành phố Hà Nội; thực hiện nghiêm nhiệm vụ, giải pháp trong phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Hằng năm, UBND các cấp có kế hoạch bố trí đủ kinh phí đảm bảo cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó có hoạt động của Ban chỉ đạo, đội kiểm tra liên ngành, tổ công tác các cấp.

Các đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành về khoáng sản cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra liên ngành, tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất khu vực thường để xảy ra khai thác trái phép, đặc biệt là hoạt động khai thác đất san lấp, xử lý nghiêm hành vi phạm.

Ngoài ra, Thái Nguyên tổ chức ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh, giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND cấp huyện, giữa trưởng xóm với Chủ tịch UBND cấp xã. Định kỳ hằng năm, tổ chức tổng kết để kiểm điểm trách nhiệm theo các nội dung đã ký kết...

Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định sẽ xử lý nghiêm các vi phạm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép. Trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương; các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cũng được UBND tỉnh Thái Nguyên quy định rõ trong Quyết định này.

Thái Nguyên Nhân
baoxaydung.com.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn