Thái Nguyên: Thầy cô đồng hành, nâng bước học trò khuyết tật

  • giaoducthoidai.vn
  • 28/10/2021
Đó là bài viết được đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại ngày 18/10. Bài viết phản ánh, bằng sự nỗ lực, kiên nhẫn trước những khó khăn đặc thù của việc giáo dục đào tạo học sinh khuyết tật, các nhà trường luôn kết hợp các phương pháp giáo dục tâm lý và yêu thương gần gũi với các học sinh khuyết tật để đồng hành, nâng bước giúp các em chủ động hòa nhập. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Cô giáo trường Tiểu học Khe Mo (Đồng Hỷ) hỗ trợ thêm ngoài giờ học cho một học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Bằng tình yêu thương và sự tận tâm, nhiều thầy cô giáo đang đồng hành và nâng bước các học trò khuyết tật, giúp các em vơi bớt thiệt thòi, cải thiện bản thân và hòa nhập với bạn bè, trường lớp.

Những khó khăn đặc thù

Hiện nay, trong các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng trên 1.500 học sinh khuyết tật đang theo học. Không may mắn có được sức khỏe tinh thần và thể trạng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, những học sinh khuyết tật gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, học tập cùng mọi người. Thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp phải thực sự thấu hiểu, kiên nhẫn mới có thể giúp các em dần phát triển.

Cô giáo trường Tiểu học Tân Thành (Phú Bình) đang trao đổi riêng để hỗ trợ thêm cho một học sinh chậm phát triển trí tuệ 

Quá trình dạy học học sinh khuyết tật, các nhà trường đã gặp không ít khó khăn đặc thù. Đa số phụ huynh đều cảm thấy “khó thừa nhận” việc con cái mình mắc các khuyết tật, dẫn đến tâm lí lo ngại và căng thẳng, thậm chí tìm cách gây áp lực đổi giáo viên, chuyển lớp, chuyển trường. 

Nhiều giáo viên phụ trách lớp có học sinh khuyết tật thường phải đến thăm gia đình các em, tìm hiểu hoàn cảnh và tâm tư học trò cũng như người nhà, cùng động viên, chia sẻ những khó khăn trong giáo dục, nên dần dần đã tạo được sự tin cậy và hợp tác tốt của phụ huynh. Sau mỗi kỳ và mỗi năm học, các em biết đọc, biết viết, biết làm toán, không chỉ thầy cô giáo vui mừng, mà gia đình cũng từ đó thêm niềm tin với nhà trường với giáo viên.

Khó khăn nhất là giáo viên phải gần gũi và dành nhiều thời gian nắm bắt diễn biến tâm lý để hỗ trợ học sinh, giúp các em

“Hằng năm, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Thái Nguyên, chúng tôi tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trang bị chuyên môn nghiệp vụ cho đại diện giáo viên các nhà trường, từ đó củng cố và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật”.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên

chủ động hòa nhập, theo kịp các hoạt động của bạn bè, không bị đơn độc, xa lánh. Có lẽ chính sự tương tác giữa bạn bè với nhau sẽ tạo nên những động lực tích cực cho học sinh khuyết tật cải thiện nhanh những hạn chế của bản thân.

Mỗi em một dạng khuyết tật, việc dạy học đã khó khăn thì công việc chăm sóc các em còn khó khăn hơn. Nếu như đưa các em về môi trường giáo dục khuyết tật chuyên biệt khi bệnh trạng chưa quá nặng, thì cơ hội hòa nhập cộng đồng cho các em sẽ khó hơn. Chính vì vậy, các trường luôn xác định giáo dục gắn liền với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh, để các em phải đạt mức độ phổ cập giáo dục tiểu học.

Đồng hành và nâng bước

Trường Tiểu học Tân Thành (Phú Bình) năm học này đang có 6 học sinh khuyết tật, trong đó có thiểu năng trí tuệ, hạn chế vận động, nghe nói. Các gia đình hiểu sự khó khăn của con, sự vất vả của thầy cô, cho nên thường có tâm lí ngại ngần, phải qua sự trao đổi và động viên của nhà trường thì mới đưa con đến lớp. Nhà trường đã chọn giáo viên để bồi dưỡng, tập huấn về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, rồi chia sẻ lại cho các giáo viên từng lớp.

Với trường Tiểu học Khe Mo (Đồng Hỷ), nhà trường đang có 7 học sinh khuyết tật, cả về trí tuệ lẫn vận động, đặc biệt trong đó có học sinh T.A mới vào lớp 1 vừa nghe kém, vừa khó phát âm, trí tuệ lại chậm phát triển. “Giờ ra chơi tôi phải ngồi kèm riêng, giờ ăn cũng phải ngồi cạnh, rất tỉ mỉ. Mừng là sau khoảng hơn một tháng đầu, bây giờ T.A đã biết đưa bút viết, mạnh dạn hơn trong giao tiếp với bạn bè” - cô giáo Nguyễn Thị Thanh Ngà, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết.

Thực tế cho thấy, các thầy cô giáo gặp khó nhất với trường hợp trẻ bị tăng động, bởi các em này thiếu kiểm soát hành vi,

“Giáo viên đứng lớp có thêm nội dung hoạt động riêng cho học sinh khuyết tật, tăng cường lời khen để khích lệ, nội dung hay hoạt động gì cũng cho lặp lại nhiều lần để các em tiếp nhận tốt hơn. Đồng thời, thầy cô cũng thường xuyên nhắc nhở học trò trong lớp không phân biệt, không kì thị, tích cực hỗ trợ các bạn bị thiệt thòi. Chúng tôi thống nhất quan niệm không coi các em bị khuyết tật là học sinh khuyết tật, có như vậy mới giúp các em vượt lên”.

Cô giáo Đào Thị Lâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thành (Phú Bình)

hay nổi loạn, đánh bạn, đập phá. Mỗi khi phải giải quyết các tình huống không mong muốn, gần như mọi thứ trật tự bị đảo lộn. Chính vì vậy, giáo viên trực tiếp đứng lớp luôn căng thẳng và phải biết tiết chế cảm xúc, kết hợp các phương pháp giáo dục tâm lý và dùng tình cảm yêu thương gần gũi với trẻ để giúp các em trở lại trạng thái cân bằng tâm lý.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng các thầy cô giáo cũng vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh được hòa nhập, có cơ hội tốt để phát huy năng lực của mình, từ đó rèn luyện thêm để làm cơ sở cải thiện, phát triển bản thân. 

Thanh An
giaoducthoidai.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn