Vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, chính là vai trò Liên kết – Cầu nối – Điểm tựa cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh.
Các hiệp hội doanh nghiệp là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, được chia thành 2 nhóm: nhóm các hiệp hội ngành nghề, và các hiệp hội doanh nghiệp địa phương.
Các Hiệp hội ngành nghề có ưu thế là tập hợp các doanh nghiệp cùng hoạt động SXKD trong một lĩnh vực, ngành nghề; nên thường có mối quan hệ gần gũi, có chung mối quan tâm đối với những thay đổi của chính sách, thị trường…
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các Hiệp hội ngành nghề giữ vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận các Hiệp định thương mại song phương và đa phương…
“Buôn có bạn, bán có phường”, vì thế, mỗi doanh nghiệp vừa đồng thời tham gia các Hiệp hội ngành nghề, vừa tham gia Hiệp hội doanh nghiệp địa phương. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp địa phương có vai trò như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương đó? Và Hiệp hội doanh nghiệp địa phương cần làm gì để làm tốt hơn nữa vai trò của mình?
Hơn ai hiết, Hiệp hội doanh nghiệp địa phương là người hiểu rõ nhất “tình hình sức khỏe của doanh nghiệp”, về năng lực sản xuất, trình độ quản trị; đồng thời cũng là người hiểu rõ nhất môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương, đánh giá chính xác nhất chất lượng điều hành kinh tế của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Vì thế, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, chính là vai trò Liên kết – Cầu nối – Điểm tựa cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh. Muốn đảm nhận tốt vai trò này, các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương cần phải:
Thứ nhất, về đối ngoại. HHDN địa phương cần nâng cao uy tín và vị thế của Hiệp hội doanh nghiệp địa phương trong quan hệ với chính quyền, phải đạt được Đảng tin, dân tin.
Thứ hai, về đối nội. HHDN địa phương cần vun đắp khối đại đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp địa phương, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc; được các hội viên tin tưởng và mong muốn được tham gia Hiệp hội.
Về tổ chức thực hiện, mỗi Hiệp hội địa phương tùy vào điều kiện thực tế sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau để đạt được mục tiêu. Từ kinh nghiệm thực tiễn, tôi xin có một vài ý kiến đóng góp như sau:
Đầu tiên, HHDN cần tạo sân chơi bình đẳng – thân thiện và tích cực cho các hội viên, giúp hội viên thoải mái chia sẻ thông tin, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Như vậy, Hiệp hội và hội viên phải có “tương tác”.
Tiếp đến, HHDN cần phát huy tinh thần cống hiến, tinh thần “cho đi” vì mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp địa phương vững mạnh. Tinh thần đó cần được nêu gương trước hết ở nhân sự chủ chốt của Hiệp hội, ở BCH Hiệp hội và đến từng hội viên với phương châm “mọi sự đóng góp – không kể ít nhiều, đều rất chân quý”.
Hiệp hội cần quy tụ được những doanh nghiệp, doanh nhân mạnh, “vừa hồng vừa chuyên”, có Tâm – có Tầm – có Tài, có đầy đủ các đơn vị đại diện cho nhóm ngành nghề/lĩnh vực hoạt động tại địa phương; để các phản ánh, kiến nghị và tham gia xây dựng chính sách được chính xác, đúng và trúng, có tiếng nói, uy tín với chính quyền trung ương và địa phương.
Về bộ máy tổ chức, HHDN cần xây dựng một số ban chuyên trách, hoạt động tích cực, hiệu quả, như: Ban Pháp chế, Ban hội viên, Ban Đào tạo, Ban Truyền thông, … để định hình rõ nét và tập trung thực hiện một số chức năng quan trọng của Hiệp hội; trong điều kiện nhân sự của các Hiệp hội đa số là Chủ hoặc người quản lý doanh nghiệp, hoạt động kiêm nhiệm, thời gian cho hoạt động hội rất eo hẹp.
Để tạo kinh phí cho hoạt động của Hiệp hội, ngoài sự đóng góp của Hội viên, thì Hiệp hội cũng cần đổi mới phương thức hoạt động, cung cấp một số dịch vụ có thu phí. Chúng tôi được biết, HHDN Thành phố HCM, HHDN TP. Hà Nội… làm rất tốt công tác này, chúng tôi cũng mong muốn được chia sẻ và học tập kinh nghiệm từ các HHDN tỉnh bạn.
Trong quan hệ công tác với chính quyền, HH cần giữ vai trò liên kết và cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền. Nội dung trao đổi cần phản ánh đúng thực tiễn, có chứng có lý; cách thức trao đổi cần thân thiện, tạo sự tin tưởng và ủng hộ; người kết nối, điều phối cần có uy tín. Trong hoạt động thường xuyên, HHDN cần động viên các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, cam kết thực hiện ba không: “Không nợ thuế, Không nợ lương, không nợ bảo hiểm”; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm tốt công tác an sinh xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo; có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội…
Doanh nghiệp, Doanh nhân gánh trên vai sứ mệnh “đầu tầu phát triển kinh tế đất nước”. Trong nhiệm kỳ mới của VCCI, các HHDN đặt trọn niềm tin và kỳ vọng VCCI tiếp tục là “cánh chim không mỏi”, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy cải thiện môi trường SXKD minh bạch – an toàn – thông thoáng thuận lợi cho Doanh nghiệp, Nhà đầu tư.