Thay đổi cách nghĩ, cách làm chè nhờ IPM

  • nongnghiep.vn
  • 04/09/2021
Đó là bài viết được đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 17/8. Bài viết phản ánh, việc ứng dụng IPM trên cây chè tại Thái Nguyên đã tạo ra hiệu quả đột phá, làm nền tảng cho triển khai, tiếp cận các quy trình sản xuất an toàn. Việc củng cố, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh chè bằng liên tiếp những đề án về chè đã mang đến cho cây chè, sản phẩm chè và người làm chè Thái Nguyên vị thế ngày càng cao. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Thu hái chè tại xã Phú Đô (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trong 2 thập kỷ đầu thế kỷ 21, với 4 lần thực hiện đề án chè, có tới 3 đề án được Thái Nguyên chú trọng tập trung cho việc áp dụng IPM.

Bảo vệ thiên địch là bảo vệ tất cả

Bà Đào Thị Thoi, Tổ trưởng tổ hợp tác Sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ kể lại, bà được tham gia học để làm nòng cốt trong triển khai áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè ngay từ những ngày đầu.

Những kỹ năng, phương pháp của IPM đã giúp bà trở thành Giám đốc HTX chè, Tổ trưởng tổ sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn 11041. Một nguyên tắc IPM mà bà tâm đắc nhất là bảo vệ thiên địch. Trên nương chè, có sự xuất hiện của những con nhện ăn bọ xít, nhện ăn rầy.

Chúng chính là bạn của người làm chè, bảo vệ nó tức là nó bảo vệ cây chè. Khi đó, người làm chè không phải sử dụng các loại thuốc BVTV độc hại, người dùng chè không lo nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Cái được lớn nhất chính là giá chè luôn cao, sinh thái nương chè, sức khỏe người làm chè, người sử dụng sản phẩm chè được bảo đảm.

Ông Nguyễn Đức Trọng (Thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ) chia sẻ, áp dụng IPM có trải nghiệm, người làm chè thực sự trở thành chuyên gia về chè. Không đơn thuần là am tường về cây chè, áp dụng IPM còn đưa ra được quyết định đúng đắn trước những khó khăn ở từng nương chè, từng tình huống cụ thể.

Với khả năng đó, ông Trọng được nhiều địa phương mời về làm “thầy giáo’ giảng bài trên nương chè. Ngay cả các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị ông Trọng cùng triển khai các quy trình kỹ thuật cũng như nguyên tắc của IPM. "Chính IPM đã nâng tầm bản thân tôi, làm “sống lại” và nâng tầm thương hiệu cho nương chè quê hương tôi", ông Trọng nói.

Cần những ưu tiên đặc biệt cho IPM

IPM trên cây chè với những hiệu quả, lợi ích to lớn nhưng từ năm 2015 trở lại đây, việc ứng dụng IPM trong sản xuất chè ở Thái Nguyên chưa được ưu tiên những chương trình riêng biệt, mà chỉ được thực hiện lồng ghép vào các mô hình khác.

Người trồng chè ở Thái Nguyên đã có những chuyển biến rất tích cực về quan điểm sản xuất từ việc tiếp cận với IPM. Ảnh: ĐT.

Có thể thấy, Thái Nguyên đã sớm nhận ra nguy cơ suy thoái nương chè. Việc củng cố, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh chè bằng liên tiếp những đề án về chè đã mang đến cho cây chè, sản phẩm chè và người làm chè Thái Nguyên vị thế ngày càng cao.

Hiện nay, Thái Nguyên có trên 22.000 ha chè. Trong đó có hơn 6800ha chè nằm trong quy hoạch được sản xuất theo hướng an toàn; có khoảng 2.600 ha chè đã được cấp chứng nhận VietGAP. Cây chè đã được chọn là cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên để tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Thái Nguyên xác định sẽ mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ ở những vùng chè tập trung. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ có 6.000 ha chè theo tiêu chuẩn GAP, 235 ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ và giai đoạn 2026 - 2030 là 12.500 ha chè GAP, 500 ha chè hữu cơ.

Ông Nguyễn Tá (Chi cục trưởng chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên) cho biết, ứng dụng IPM trên cây chè tại Thái Nguyên đã tạo ra hiệu quả đột phá, làm nền tảng cho triển khai, tiếp cận các quy trình sản xuất an toàn.

Đóng gói chè tại Công ty TNHH NTEA Việt Nam chi nhánh Thái Nguyên. Ảnh: ĐVT.

Trong năm 2020, Thái Nguyên có gần 8000 ha chè được thực hiện áp dụng IPM lồng ghép. Từ

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, thay vì hỗ trợ dàn trải, ngành nông nghiệp Thái Nguyên sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào các vùng chè trọng điểm và HTX, tổ hợp tác điển hình, từ đó nhân rộng trên toàn tỉnh.

định hướng của ngành, của địa phương, vừa qua, Chi cục đã đưa ý tưởng đẩy mạnh áp dụng IPM trên sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 làm chủ đề để đăng ký nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Chương trình triển khai sẽ đảm bảo tận dụng được những lợi thế có sẵn, đáp ứng xu thế phát triển, yêu cầu hội nhập hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết, Hội đang triển khai đề tài khoa học truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng cho sản phẩm chè. Đó là cơ sở để chè Thái Nguyên tiếp cận những phân khúc cao nhất trên thị trường chè thế giới.

Tiêu chí lựa chọn để hỗ trợ áp dụng truy xuất là đơn vị sản xuất phải đảm bảo được chất lượng. Đồng thời, phải có quy mô tiêu chuẩn. Hội sẽ chọn trong hàng trăm HTX, làng nghề hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để xây dựng chương trình.

"Đã qua thời cây chè là cây xóa đói giảm nghèo nên việc hỗ trợ cho từng hộ làm chè là không hợp lý, không thể thực hiện được. Hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX vừa đảm bảo quy mô đề tài, vừa đảm bảo mục tiêu nâng cao giá trị cho sản phẩm chè Thái Nguyên", bà Ngà cho biết.

Đồng Văn Thưởng
nongnghiep.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn