Nhiều vùng chè của Thái Nguyên cho giá trị kinh tế ngày càng cao (Ảnh: Hà Thanh)
Nhờ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã có nhiều kết quả tích cực. Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nhằm tái cơ cấu nông nghiệp, Thái Nguyên đã tập trung phát triển các vùng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao,...
Nhờ đó, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp
Trong trồng trọt, chè vẫn luôn là cây trồng thế mạnh được Thái Nguyên tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả. Cây chè của Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là "đệ nhất danh trà" khi có nhiều sản phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi quốc tế.
Thái Nguyên hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích trồng chè với 22.400ha, trong đó có nhiều vùng chè nổi tiếng như: Tân Cương, La Bằng, Tức Tranh,... Diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn tăng nhanh, đã có trên 2.600ha được chứng nhận VietGAP, hữu cơ.
Bên cạnh đó, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1ha đất trồng chè của Thái Nguyên cũng dẫn đầu cả nước.
Cụ thể, giá trị sản phẩm chè búp tươi trên 1ha đất trồng chè bình quân đạt 274 triệu đồng. Đặc biệt, ở một số vùng chè đặc sản, giá trị sản phẩm chè sau chế biến trên 1 đơn vị diện tích trồng chè đạt từ 600 - 700 triệu đồng.
Chị Đào Thị Thức – Giám đốc HTX chè Nhật Thức (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trước đây khi nhắc đến sản phẩm chè Phục Linh có giá 2 triệu đồng/kg quả thực không ai mua. Nhưng đến nay, các sản phẩm chè của HTX đều có giá trị kinh tế rất cao, có sản phẩm lên tới 3 triệu đồng/kg".
Chị Thức cho biết thêm, hiện hơn 17,2ha diện tích trồng chè của HTX đều được sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, hiện HTX đang trồng thử nghiệm 3ha chè theo hướng hữu cơ và hướng tới mở rộng diện tích này với quy mô lớn.
Chị Đào Thị Thức giới thiệu các sản phẩm chè tại HTX. (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh chè, rau quả cũng là sản phẩm chủ lực được Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích.
Một số vùng sản xuất rau tập trung lớn như TP.Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương đã tích cực đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, có thu nhập đạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha. Thậm chí, một số mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, quả trái vụ đạt giá trị trên 1 tỷ đồng/ha.
Chị Nguyễn Thị Hiệp - Giám đốc HTX rau an toàn Bình Minh (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: "Hiện nay, HTX có 5ha rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, chủ yếu là các loại rau ăn lá như rau cải, mùng tơi, muống, bắp cải, su hào và một số loại quả như dưa lê, dưa hấu, mướp đắng… Ước tính doanh thu mỗi năm của HTX khoảng trên 2 tỷ đồng".
Chị Nguyễn Thị Hiệp - Giám đốc HTX rau an toàn Bình Minh bên vườn rau của HTX (Ảnh: Hà Thanh)
Nhiều vùng trồng cây ăn quả của Thái Nguyên cũng đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng được thương hiệu như: Nhãn Khe Đù, bưởi Tiên Hội, bưởi Tràng Xá, na La Hiên, ổi Linh Sơn… Nhờ vậy, người trồng cây ăn quả có thu nhập bình quân khoảng 250 triệu đồng/ha.
Sản phẩm na La Hiên ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng trên thị trường (Ảnh: Hà Thanh)
Ngoài trồng trọt, ngành chăn nuôi của Thái Nguyên cũng có nhiều chuyển biến tích cực khi hình thành các vùng chăn nuôi lớn.
Để đạt được điều đó, Thái Nguyên đã dần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, hợp tác xã. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Còn trong lâm nghiệp, tại Thái Nguyên đã hình thành một số mô hình trồng rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững. Ví dụ như mô hình trồng quế với diện tích 2.756ha tại các huyện Định Hóa, Võ Nhai đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
Sau 6-7 năm trồng, người dân có thể thu khoảng 150 triệu đồng/ha từ cây quế, và dự kiến thu khoảng 1 tỷ đồng sau 15 năm trồng.
Hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp
Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, cùng với việc tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh còn chú trọng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 76 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 - 5 sao, nhờ đó giá trị kinh tế của các sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP nâng lên từ 20% trở lên.
Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Thái Nguyên (áo xanh đứng giữa) tham quan các sản phẩm na của bà con nông dân huyện Võ Nhai (Ảnh: Phòng NN&PTNT huyện Võ Nhai)
Nhờ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nên sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đạt tốc độ tăng trưởng khá. Nhờ đó, đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên.
Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 102/137 xã đạt chuẩn NTM. Ba địa phương gồm TP.Thái Nguyên, TP.Sông Công và TX.Phổ Yên đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Tổng kết phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới" giai đoạn 2010 - 2020, Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh dẫn đầu trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng NTM.