Tạo đà bứt phá ở vùng chiến khu xưa

  • nhandan.vn
  • 21/08/2021
Đó là bài viết được đăng trên Báo Nhân dân ngày 19/8. Tác giả phản ánh, Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là giải pháp để phát triển đột phá. Với phương châm tập trung vào vùng khó khăn và với những bước đi mạnh mẽ trong tiến trình chuyển đổi số, Thái Nguyên đang tạo tiền đề quan trọng để đột phá phát triển, sớm đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Thành phố Thái Nguyên được tỉnh chọn xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: ÐÌNH LỘC

Phát huy truyền thống anh hùng của vùng căn cứ địa cách mạng, “Thủ đô kháng chiến”, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung chuyển đổi số nhằm tăng tính năng động, hiệu quả của tổ chức bộ máy, khơi thông các nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Tập trung vào vùng khó khăn

Như nhiều địa phương khác, Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là giải pháp để phát triển đột phá. Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh nhằm thúc đẩy cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện. Ðiều đáng nói, thay vì tập trung vào những nơi có lợi thế trước, tỉnh quan tâm những vùng khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách về điều kiện tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số.

Võ Nhai, huyện vùng cao khó khăn nhất của Thái Nguyên, có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, sông suối hiểm trở là lợi thế trở thành căn cứ cách mạng trong kháng chiến nhưng lại là hạn chế về kết nối giao thương thời kỳ xây dựng và phát triển. Thế nhưng, xã Sảng Mộc - xã vùng sâu khó khăn nhất huyện đã được tỉnh chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh. Có quá nhiều việc để chuyển đổi số ở địa bàn chưa đạt xã nông thôn mới, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông, tỷ lệ hộ nghèo hơn 20%, nhiều khu vực chưa có sóng di động 3G, 4G. Ðiều đó cho thấy quyết tâm của tỉnh. Ðược sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo, xã Sảng Mộc tập trung xây dựng hạ tầng số, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ, công chức và nhân dân. Hiện, xã đã áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 5 thủ tục và mức độ 4 với 46 thủ tục; khởi tạo email công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sử dụng thường xuyên. Nhiều người dân đã có thể sử dụng tiện ích trên điện thoại thông minh như xin cấp giấy khai sinh bản sao mà không cần phải đến UBND xã. Trạm y tế xã vận hành hệ thống Telehealth, kết nối tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với Bệnh viện A (TP Thái Nguyên), rất ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân khi trạm y tế cách trung tâm huyện gần 70 km…

Những chuyển biến ở Sảng Mộc là tín hiệu mừng cho tiến độ chuyển đổi số của huyện Võ Nhai. Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Văn Hào, cho biết: Ðến nay, Cổng thông tin điện tử huyện, hệ thống phần mềm một cửa điện tử, trang thông tin điện tử các xã, thị trấn và hệ thống giao ban trực tuyến từ cấp tỉnh đến huyện và từ huyện đến các xã đã hoạt động ổn định, cung cấp thông tin kịp thời; trong đó tích hợp, triển khai hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ đến tận cấp xã.

Là xã vùng sâu, vùng xa của thị xã Phổ Yên, xã Phúc Thuận cũng được tỉnh chọn thí điểm chuyển đổi số nhằm khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý, tạo sự phát triển đồng đều tại các đơn vị cơ sở, xây dựng Phổ Yên sớm trở thành đô thị thông minh và là thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2023.  Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Bùi Văn Lương chia sẻ: Phổ Yên có chương trình hành động chuyển đổi số đồng bộ, thực hiện đến đâu chắc đến đấy. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thị xã chú trọng đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp để tăng cường hiệu quả. Các cuộc họp không giấy tờ của Thị ủy, HÐND, UBND đã đi vào nền nếp; quản lý hệ thống văn bản trên môi trường mạng; phòng họp trực tuyến đường truyền tốc độ cao kết nối với tỉnh và với tất cả các phường, xã trên địa bàn đã giúp việc chỉ đạo, điều hành nhanh, chính xác, tiết kiệm thời gian đi lại.

Ngoài hai địa bàn nêu trên, Thái Nguyên còn chọn thí điểm chuyển đổi số ở các xã khó khăn như xã La Bằng (huyện Ðại Từ), xã Bình Thành (huyện Ðịnh Hóa) và tập trung ưu tiên giáo dục, nhất là giáo dục trực tuyến cho học sinh vùng sâu, vùng xa; lĩnh vực y tế; thương mại điện tử; rà soát để xóa thôn “trắng” cáp quang, thôn “trắng” sóng 3G, 4G.

Nhiều bước đi mạnh mẽ

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên phương tiện được cấp mã nhận diện vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng mới được lưu thông (giấy nhận diện mã QR). Tại Thái Nguyên Sở Giao thông vận tải cấp giấy nhận diện mã QR trực tuyến. Người dân ở nhà làm thủ tục đăng ký online, sau 12 tiếng nhận kết quả, in ra dán lên kính xe để lưu thông. Nhờ đó, chỉ trong vài ngày cuối tháng 7, Sở đã cấp 1.800 giấy, trong đó cấp hộ TP Hà Nội 500 giấy, giúp hàng hóa không bị ách tắc. Các thủ tục như cấp phù hiệu, biển hiệu, giấy phép liên vận, đăng ký xe máy chuyên dụng, phương tiện đường thủy… cũng đã thực hiện trực tuyến ở mức độ 4.

Cổng dịch vụ công của tỉnh hiện cung cấp 1.770 thủ tục; trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.261 thủ tục, dự kiến quý IV năm nay sẽ hoàn thiện tích hợp và cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Số lượng hồ sơ trực tuyến hằng năm tăng 5 đến 10%.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng CNTT để truy xuất nguồn gốc và phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử được tỉnh đẩy mạnh giúp người nông dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện, toàn bộ 76 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn), sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (có sử dụng mã QR).

Ðồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Chuyển đổi số ở Thái Nguyên đặt ra nhiều thách thức, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao. Vì vậy, tỉnh yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách và phải tiên phong ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành...

Với những bước đi mạnh mẽ trong tiến trình chuyển đổi số, Thái Nguyên đang tạo tiền đề quan trọng để đột phá phát triển, sớm đưa tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, năng động, tiếp nối khí phách anh hùng của vùng quê cách mạng.

HẠNH NGUYÊN VÀ THẾ BÌNH
nhandan.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn