Thái Nguyên: Tập trung thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế bảo đảm "mục tiêu kép"

  • thanhtra.com.vn
  • 05/08/2021
Đó là bài viết được Báo Thanh tra đăng ngày 23/7. Bài viết phản ánh, ngay từ đầu năm 2021, Ban lãnh đạo Cục Thuế Thái Nguyên đã quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức triển khai thực hiện ngay các giải pháp quyết liệt để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Qua thời gian triển khai thực hiện, kết quả mang lại được thể hiện bằng số thuế phải nộp tăng thêm hàng chục tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

(Thanh tra)- Đầu năm 2021, dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế Thái Nguyên không những đảm bảo nguồn thu ngân sách mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ.

Khu công nghiệp Samsung Thái Nguyên

Nhiều giải pháp đồng bộ

Năm 2021, ngành Thuế Thái Nguyên được  Bộ Tài chính giao dự toán pháp lệnh 9.513 tỷ đồng, loại trừ tiền sử dụng đất là 8.213 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, toàn ngành thuế Thái Nguyên thu đạt 6.482 tỷ đồng, bằng 68% dự toán pháp lệnh, bằng 119% so với cùng kỳ năm trước; loại trừ thu tiền sử dụng đất đạt 5.092 tỷ đồng, bằng 62% dự toán, bằng 102% so với cùng kỳ năm trước.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, Ban Lãnh đạo Cục Thuế Thái Nguyên đã quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức triển khai thực hiện ngay các giải pháp quyết liệt để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong 6 tháng đầu năm, từ đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước cả năm 2021.

Ngành Thuế đã trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai Kế hoạch “Kiểm tra chống thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình”. Kết quả, thông qua rà soát kê khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác đất san lấp của các doanh nghiệp từ 2018-2020, Cục Thuế đã yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung tăng 6% số thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường phải nộp so với số đã kê khai trước khi rà soát.

Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.

Lãnh đạo Cục Thuế Thái Nguyên chia sẻ, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay, công tác chống thất thu với các doanh nghiệp được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trước tiên là tăng cường công tác kiểm tra, phân tích tại địa bàn, từ đó thực hiện phân tích chuyên sâu đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Căn cứ kết quả phân tích chuyên sâu, tùy theo mức độ rủi ro và tình hình thực tế của từng doanh nghiệp sẽ yêu cầu người nộp thuế giải trình, kê khai bổ sung hoặc triển khai ngay công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Trong quá trình triển khai thực hiện, nguyên tắc được ban chỉ đạo đưa ra với các phòng thu, các chi cục thuế là: Mình phân tích - Mình lựa chọn - Mình kiểm tra - Mình kết luận - Qua đó chứng minh sự trong sáng cho CHÍNH MÌNH (gọi tắt là 5M).

Qua thời gian triển khai thực hiện, kết quả mang lại không chỉ được thể hiện bằng số thuế phải nộp tăng thêm hàng chục tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. 

Quá trình tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế về thương mại điện tử cũng mang lại chuyển biến tốt trong nhận thức và tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

Tăng thu ngân sách Nhà nước

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên như Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều doanh nghiệp vệ tinh, sản xuất sản phẩm phụ trợ đặt tại các khu công nghiệp thuộc 02 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh những tháng vừa qua phải dừng hoạt động thì nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2021 đối với Cục Thuế Thái Nguyên vẫn còn hết sức nặng nề.

Để đảm bảo hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước được giao năm 2021, Cục Thuế Thái Nguyên đề ra các giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm nhằm quản lý tốt nguồn thu và tăng thu ngân sách Nhà nước, cụ thể như sau:

Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế trong công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn.

Tiếp tục tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.

Căn cứ kết quả đã đạt được trong việc rà soát, phân tích, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về thuế trong 6 tháng đầu năm, các phòng thanh tra kiểm tra, các chi cục thuế rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả đạt được và tiếp tục triển khai thực hiện 5M trong thời gian tới.

Kiểm soát chi phí tài chính của các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, trọng tâm là các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông... để nắm bắt thông tin. Từ đó thực hiện rà soát, đưa vào quản lý đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, không bỏ sót nguồn thu. Đối với người nộp thuế đã rà soát, đẩy nhanh tiến độ làm việc để đấu tranh xác định đúng số thuế phải nộp.

Đối với quản lý thuế khai thác khoáng sản, Cục Thuế Thái Nguyên đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án giải quyết dứt điểm vướng mắc trong việc xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ mà tới thời điểm có quyết định đóng cửa, doanh nghiệp chưa tiến hành khai thác, toàn bộ trữ lượng khoáng sản vẫn còn nguyên vẹn trong lòng đất.

Hồng Vân
thanhtra.com.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn