Sẽ kiểm tra, rà soát 117 mỏ khoáng sản tại Thái Nguyên

  • NGUYỄN GIANG
  • 05/10/2021
Theo kế hoạch, từ cuối tháng 9 đến trung tuần tháng 10/2021 các đoàn kiểm tra của tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát 117 mỏ khoáng sản đang hoạt động trên địa bàn…
Vụ việc vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất rừng được Báo VietNamNet phản ánh từ tháng 8/2018.

Những vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất rừng đặc dụng Thần Sa đã bị nhiều cơ quan báo chí phản ánh từ tháng 8/2018. Ảnh: KN

Theo đó, nguyên nhân chính của đợt kiểm tra, rà soát tổng thể này được bắt nguồn từ việc cuối tháng 8/2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 bị can vì có hành vi "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên"; Trong đó có 4 bị can là lãnh đạo, nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước, trụ sở tại xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy: Từ tháng 3/2019-8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước với sản lượng khai thác khoảng hơn 2 triệu tấn than nguyên khai. Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác, trục lợi hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 15/9/2021 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, rà soát các hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản đối với toàn bộ các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay đối với các hành vi: Gian lận về sản lượng khai thác thực tế so với trữ lượng đã được cấp phép khai thác; về thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác; về các quy định đối với công suất được phép khai thác; khai thác khoáng sản vượt ngoài phạm vi diện tích được cấp giấy phép.

Các vi phạm quy định về khu vực khai thác khoáng sản; diện tích đất đã sử dụng. Vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác, thiết kế mỏ và vi phạm trong thực hiện các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác…).

hai mỏ vàng lớn nhất tỉnh từng “làm đường, xây chùa” trên đất rừng

Hai mỏ vàng lớn nhất tỉnh Thái Nguyên từng “làm đường, xây chùa” trên đất rừng cũng nằm trong kế hoạch kiểm tra đợt này của cơ quan chức năng. Ảnh: KN

Theo kế hoạch mới được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành, giai đoạn 1 Thái Nguyên sẽ kiểm tra, rà soát 117 mỏ khoáng sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thời điểm kiểm tra từ khi được cấp giấy phép khai thác đến ngày 31/8/2021.

Đáng chú ý, trong số 117 mỏ khoáng sản nằm trong kế hoạch kiểm tra có 2 mỏ vàng sa khoáng lớn nhất tỉnh Thái Nguyên được cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm và mỏ vàng sa khoáng Bản Ná đều thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai) nhiều năm qua đã được dư luận và báo chí phản ánh có sai phạm trong việc xâm lấn đất rừng để xây dựng các công trình đền chùa, làm đường, đổ chất thải sai vị trí được cấp phép…

Trước đó,  từ tháng 8/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã có báo cáo kiểm tra gửi UBND tỉnh, kết luận việc làm đường, xây chùa trong mỏ vàng Bản Ná (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai) một phần nằm trên đất rừng đặc dụng.

Báo cáo xác định, con đường nông thôn mới từ ngã ba Ngọc Sơn 2 vào xóm Xuyên Sơn chồng lấn lên khu vực rừng đặc dụng (phân khu phục hồi sinh thái) khoảng 0,45ha (dài gần 1,2km). Toàn bộ khu vực này chưa có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác. Phần diện tích còn lại thuộc quy hoạch rừng sản xuất, cũng chưa có thủ tục chuyển đổi. Ngoài ra, con đường này còn chồng lấn lên 0,18ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Chủ mỏ vàng Bản Ná đang sử dụng đất đá thải để lấp các moong khai thác làm mặt bằng tái sử dụng làm nông nghiệp

Chủ mỏ vàng Bản Ná đang sử dụng đất đá thải để lấp các moong khai thác làm mặt bằng tái sử dụng làm nông nghiệp. Ảnh: KN

Ngoài ra, doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ vàng Bản Ná còn đổ thải lên 5,3ha rừng đặc dụng khi chưa hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thái Nguyên yêu cầu chủ mỏ di chuyển khối lượng đất đá thải nói trên ra khỏi khu vực trước tháng 3/2019. Tuy nhiên, sau gần 3 năm xảy ra sai phạm, đến thời điểm hiện tại, chủ dự án mới khắc phục một phần đất đá thải đổ trái phép nói trên để lấp moong khai khoáng tại bãi vàng Bản Ná sắp hết thời hạn cấp phép. Mục đích nhằm hoàn thổ mặt bằng theo quy định của thủ tục đóng cửa mỏ.

Được biết: Trong 03 năm, từ 2019-2021, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành 05 đợt kiểm tra đối với hoạt động khai khoáng và những dấu hiệu vi phạm của Công ty Cổ phần Yên Phước tại Mỏ than Minh Tiến, xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, xử phạt tổng giá trị gần 600 triệu đồng.

Hồi giữa tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố Kết luận Thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 01/01/2010-31/12/2018), chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý.

Trong khi đó, thông tin với báo chí, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang cho biết: Từ 2016 đến nay, Sở đã chủ trì phối hợp với các cơ quan Trung ương và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra trên 200 lượt mỏ khoáng sản trên địa bàn. Quá trình kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm đối với 29 mỏ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, truy thu tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là trên 9,2 tỷ đồng.

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn