Thái Nguyên: Phát triển xã hội số quý III có như kỳ vọng?

  • Vũ Khuê
  • 20/09/2021
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020, phát triển xã hội số trong 03 trục (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) chuyển đổi số ở Thái Nguyên có đạt kết quả tích cực trong quý III?
tỉnh Thái Nguyên lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số.

Tỉnh Thái Nguyên lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thái Nguyên cho biết: Ngày 12/8 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 147/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021 – 2025. Ngày 18/8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2704/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, có nội dung hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngày 20/8, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND về Chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ ứng dụng CNTT của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

Hoàn thiện nền tảng xã hội số

Theo đó, việc triển khai nền tảng xã hội số, công dân số, thu hẹp khoảng cách số theo đề xuất của Liên danh SaigonTel-NGS, ông Hoà cho hay: UBND tỉnh có chủ trương triển khai xây dựng nền tảng Xã Hội Số tại tỉnh với mục tiêu thực hiện đưa dịch vụ hành chính công của tỉnh tới tay người dân thông qua thiết bị di động, phân chia theo nhóm đối tượng sử dụng, bắt đầu từ nhóm “Người lao động” trên nền tảng và ứng dụng: Công dân số, Bản đồ Nguồn nhân lực và Ứng dụng Hỗ trợ và Quản lý các khu công nghiệp.

“Dự kiến đến đầu quý IV tỉnh sẽ đưa giải pháp nền tảng vào triển khai, ứng dụng thực tế, trước mắt tập trung với đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh” ông Hoà nói.

Đối với lĩnh vực GD&ĐT, 100% các đơn vị, nhà trường thực hiện khai thác ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy –học; Quản lý hồ sơ công việc, điều hành thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử (qlvbsogddt.thainguyen.gov.vn) trong nội bộ cơ quan, kết nối liên thông đến phần mềm quản lý văn bản (V-Oficce) của các đơn vị nhà trường; triển khai trục kết nối liên thông gửi nhận văn bản giữa ngành giáo dục với các cơ quan trên địa bàn từ TƯ đến địa phương.

Ngoài ra, ngành triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục thành dữ liệu dùng chung cho các ngành, lĩnh vực trong tỉnh (http://csdlgiaoduc.thainguyen.gov.vn/). Theo PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, Sở đã phối hợp với các Chương trình, Tổ chức phi chính phủ của Việt Nam và quốc tế như Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Vietnet (Vietnet ICT), Facebook Việt Nam, Microsoft triển khai tập huấn đến giáo viên, học sinh trong toàn tỉnh.

Đồng thời, áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (ví dụ các chương trình giáo dục STEM, STEAM)... 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý tài chính, tài sản, phần mềm quản lý các hoạt động của nhà trường: Quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; quản lý quá trình dạy - học, chuyên môn, nghiệp vụ của nhà trường…

Ngành còn trang bị 210/685 cơ sở giáo dục phần mềm hoạch toán các khoản thu, trong đó có 20% các đơn đã triển khai thu học phí không dùng tiền mặt. Sở đang phối hợp với Đề án iTrithuc tổ chức cấp tài khoản, tập huấn cho giáo viên, học sinh toàn tỉnh về nền tảng dạy học trực tuyến Microsoft Teams.

Riêng đại học Công nghệ thông tin và truyền thông, đã xây dựng mới 1 chương trình đào tạo về Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, 3 chương trình đào tạo khác phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của xã hội: Công nghệ ô tô và Giao thông thông minh, Kỹ thuật cơ điện tử thông minh và robot, Kinh tế số.

Trong năm 2021, trường tiến hành điều chỉnh, cập nhật 18 chương trình đào tạo trình độ đại học đáp ứng yêu cầu cung cấp nhân lực phục vụ cho công tác chuyển đổi số trong khu vực các tỉnh phía Bắc... Hiện đang khảo sát xây dựng chương trình Thạc sỹ Quản lý Công nghệ thông tin định hướng chuyển đổi số. Hợp tác với SAMSUNG đầu tư 01 phòng LAB hiện đại…

178 trạm y tế sử dụng phần mềm có đủ các tính năng của Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn

178 trạm y tế sử dụng phần mềm có đủ các tính năng của Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn

Về lĩnh vực y tế, Bệnh viện Đa khoa TƯ đã triển khai có hiệu quả phòng Telehealth tư vấn và khám chữa bệnh từ xa. Triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế phục vụ công tác đào tạo nghiệp vụ, tư vấn khám, tư vấn điều trị...

Khởi tạo dữ liệu cho 98% dân số (người dân có thẻ BHYT) và thực hiện kết nối liên thông các cơ sở khám chữa bệnh: 203/213 đơn vị đã liên thông (546.364 hồ sơ/1.300.000 người dân chiếm khoảng 42%). 178 trạm y tế sử dụng phần mềm có đủ các tính năng của Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn. 1260 công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc đã liên thông phần mềm dược quốc gia…

Ở lĩnh vực văn hóa, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở VHTT&DL chia sẻ, Sở đã xây dựng phần mềm quản lý di sản văn hóa tập trung tại Sở, đáp ứng tiện ích cho người dân, du khách trong nước và quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước (CQNN), các tổ chức, doanh nghiệp du lịch khai thác và tìm kiếm thông tin; xây dựng phần mềm quản lý di sản văn hóa tại các huyện, thành phố, thị xã; xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về di sản văn hóa, số hóa hồ sơ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

“Triển khai thực hiện Cổng thông tin du lịch tỉnh Thái Nguyên", bao gồm các hạng mục chính cần thuê dịch vụ gồm: Cổng thông tin điện tử du lịch tỉnh Thái Nguyên; Ứng dụng di động dành cho người dân, du khách; Bản đồ số du lịch tỉnh Thái Nguyên; hạ tầng kỹ thuật đảm bảo triển khai Cổng và hệ thống Wifi công cộng; dịch vụ quản lý khai thác và vận hành, hỗ trợ kỹ thuật (bao gồm cả đào tạo và chuyển giao công nghệ, nâng cấp hệ thống hàng năm). Triển khai lắp đặt hệ thống wifi công cộng “Triển khai thực hiện Cổng thông tin du lịch tỉnh Thái Nguyên” phục vụ phát triển du lịch tỉnh.

Đồng bộ hạ tầng kỹ thuật

Ông Hoà chia sẻ, viêc thực hiện chuyển đổi số tại Thái Nguyên đạt nhiều kết quả tích cực trên cả 03 trục: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số bởi, hạ tầng kỹ thuật Thái Nguyên được đầu tư đáp ứng được yêu cầu. Minh chứng, mạng vận chuyển bưu chính trên địa bàn tỉnh được tổ chức thành 3 cấp đường thư (I, II và III), mạng lưới đường thư tương đối hoàn thiện; đảm bảo phục vụ nhu cầu bưu chính của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, với mạng vận chuyển bưu chính rộng khắp, hiện tại các dịch vụ bưu chính đã được phục vụ đến hầu hết các xã, phường, thị trấn. Thời gian đưa phát từ trung tâm tỉnh đến trung tâm xã với tần suất trung bình 1-2 chuyến/ngày.

Hạ tầng viễn thông, Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, 100% các tuyến sử dụng phương thức truyền dẫn cáp quang: Tuyến truyền dẫn nội tỉnh được xây dựng các tuyến cáp quang chính dọc quốc lộ 1B, quốc lộ 3, 3C, quốc lộ 17, quốc lộ 37 và các tuyến đường nội tỉnh, các tuyến đường liên huyện, liên xã; trên cơ sở các tuyến cáp quang chính tổ chức thành các RING nội tỉnh. Mạng quang nội tỉnh đến các trung tâm huyện sử dụng công nghệ SDH với tốc độ truyền dẫn từ 155Mbps – 2,5Gbps và sử dụng nhiều thiết bị vô tuyến như: Pasolink 7G/15G… Các tuyến cáp quang đến xã sử dụng các công nghệ SDH với tốc độ truyền dẫn từ 155Mbps – 622 Mbps. Mạng cáp quang đã được xây dựng đến hầu hết các xã, đảm bảo nhu cầu sử dụng các dịch vụ Internet băng rộng của người dân.

Hạ tầng công nghệ thông tin, Hạ tầng thiết bị: Đạt 100% các cơ quan nhà nước nhà nước các cấp đã trang bị máy tính, với số lượng cán bộ, công chức nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng. 

Hạ tầng mạng đạt 100% các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã kết nối mạng LAN, Internet và mạng diện rộng của tỉnh đến Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng cơ bản cho việc triển khai các ứng dụng dùng chung.

“Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, cơ bản đáp ứng triển khai kết nối, liên kết tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) Thái Nguyên đang được triển khai thí điểm với nhiều hạng mục cơ bản đã hoàn thành” ông Hoà nhấn mạnh.

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn