Để kinh tế số chiếm trên 20% GRDP của tỉnh vào năm 2025, thời gian qua, Thái Nguyên đã tập trung phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, TMĐT và sản xuất thông minh; Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, Thái Nguyên đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu; Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Thời gian qua, để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phát tiển kinh tế vừa chống dịch bệnh Covid-19, Thái Nguyên đã đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, trong đó phát triển kinh tế số góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của tỉnh. Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, tính riêng quý III, việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh thông qua Kế hoạch số 55/KH-UBND… Viettel và VNPT tích cực phát triển cài đặt và khuyến khích sử dụng ngân hàng số, thanh toán di động. Cụ thể, Viettel Pay đạt 95.000 khách hàng sử dụng thường xuyên, phát sinh giao dịch qua ứng dụng. VNPT Pay đạt 105.000 khách hàng cài đặt, phát sinh thanh toán qua ứng dụng đạt 25.7000.
Về tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì, Sở Công Thương đã trình Bộ Công Thương, UBND tỉnh về việc xây dựng hệ thống quản lý kinh doanh xăng dầu trực tuyến tỉnh Thái Nguyên; Xây dựng hệ thống hỗ trợ thu hút đầu tư, quản lý cụm công nghiệp trực tuyến tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, Sở tiếp tục tham mưu tỉnh, thực hiện việc thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Sở TT&TT và các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn bộ 76 sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn), Sàn thương mại điện tử PostMart (postmart.vn). Hỗ trợ 180.000 tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QRCode cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên nền bản đồ số “Thái Nguyên SmartTrees”. Đã tiến hành cập nhật dữ liệu quản lý trên 847.000 cây xanh, bao gồm cây xanh đô thị, cây xanh nông thông trồng phân tán và cây xanh trồng tập trung, đạt 77,34% kế hoạch. Dự kiến trong năm 2021, sẽ cập nhật dữ liệu quản lý cho khoảng 1,13 triệu cây.
Đồng thời, sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý hệ thống CSDL ngành Thủy lợi Việt Nam (thuyloivietnam.vn). Đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý khách hàng, ghi chỉ số và hóa đơn điện tỷ (citywork.vn) trên ứng dụng di động hỗ trợ 25 công trình cấp nước nông thông và phục vụ 20.000 hộ dân nông thông trên địa bàn tỉnh.
“Sở TT&TT đang phối hợp cùng Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cùng VNPost, ViettelPost xây dựng kế hoạch triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Dự thảo kế hoạch đang được xin ý kiến góp ý của các ngành, địa phương” ông Hoà cho hay.
Còn lĩnh vực tài nguyên môi trường, đến nay, sở TN&MT cơ bản đã xây dựng và cập nhật xong cơ sở dữ liệu về môi trường, khoáng sản; Tài nguyên nước đến năm 2018, năm 2019 và 2020 đang tiến hành cập nhật bổ sung. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai được tập trung xây dựng mang tính chất nền tảng, phục vụ xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin trong ngành.
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung ở huyện Định Hóa, TP. Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ theo Luật đất đai năm 2003; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai xong ở 03 huyện Phú Lương, Võ Nhai, Sông Công theo Luật đất đai năm 2013. Đang thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai 03 huyện còn lại là Phú Bình, Phổ Yên và huyện Đại Từ, phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh.
Theo đó, 100% cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường dùng chung đã có thường xuyên được cập nhật, nâng cấp, mở rộng và được kết nối, chia sẻ đáp ứng nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Chỉnh lý và số hoá hồ sơ các lĩnh vực của ngành.
Ngoài ra, Sở đã triển khai tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc tự động liên tục của 24 trạm trên địa bàn tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu quan trắc với Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường qua phần mềm EnviSoft quản lý và theo dõi theo quy định.
Với lĩnh vực GT-VT, ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp như: Hệ thống Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện; Phần mềm quản lý bến xe khách phiên bản 2.0; Phần mềm quản lý vận tải, Hệ thống quản lý thiết bị giám sát hành trình, phần mềm quản lý tuyến cố định, Hệ thống quản lý giấy phép lái xe, Sở GT-VT đang tiếp tục thực hiện: Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tiếp tục phối hợp với đơn vị phát triển thẻ thu phí không dừng trong triển khai dán miễn phí thẻ thu phí không dừng cho phương tiện đến đăng kiểm xe. Phối hợp với Viettel Thái Nguyên đơn vị tư vấn để xây dựng dữ liệu cho Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên, trong đó có hệ thống điều hành giao thông thông minh.
Cũng theo ông Hoà, riêng lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các Sở ngành liên quan (TT&TT, KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp, TN&MT…) khẩn trương thực hiện các bước theo quy định để lập và trình phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.
“Hiện nay đã thực hiện dịch thuật hồ sơ văn bản dự án sang Tiếng Anh và đã đăng công bố danh mục dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia để tiến hành lựa chọn Nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. UBND tỉnh đã có Quyết định số 2756/QĐ-UBND ngày 24/8/2021 quyết định chấp thuận nhà đầu tư” ông Hoà nói.