[CẢM XÚC XUÂN] Độc đáo bánh chưng nhân cá

  • MINH HẰNG (TP Thái Nguyên)
  • 18/01/2023
Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu bài viết “Độc đáo bánh chưng nhân cá” của tác giả MINH HẰNG, đến từ thành phố Thái Nguyên.

>> [CẢM XÚC XUÂN] Về Hải Phòng thăm làng bánh chưng Thuỷ Đường

- Cậu đã được ăn đặc sản bánh chưng nhân cá chép ruộng của người Tày Bắc Kạn chúng tôi chưa?

- Bánh chưng thì ăn nhiều. Nhưng bánh chưng nhân cá thì mình chưa từng.

- Vậy thì đi ngay kẻo hết.

Chúng tôi vượt hơn 100 cây số từ thành phố Thái Nguyên lên bản Chợ Giải, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) để được thưởng thức món ăn đặc biệt của người Tày nơi này.

Sở dĩ bạn tôi giục phải đi ngay, vì thời điểm đó đã sắp bước vào tháng 8 (âm lịch), chỉ còn vài ngày vớt vát làm món bánh theo mùa này. Nếu chùng chình, thì đến tận tháng 7 năm sau mới được ăn chiếc bánh chưng đặc biệt ấy.

 

Bánh chưng nhân cá chép của người Tày ở bản Chợ Giải, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Bánh chưng nhân cá chép của người Tày ở bản Chợ Giải, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. 

Cả đêm qua, vợ chồng anh Hoàng Văn Kiên và chị Dương Thị Hương đã hì hục làm mẻ bánh đợi khách. Những chiếc bánh chưng dài hơn gang tay, cái lưng còng còng (còn có tên là bánh Gù, hay bánh Pẻng Hó) đã xếp ra mẹt, sờ tay còn nong nóng. Căn bếp sực mùi thơm của mỡ vịt nướng rỏ xuống than hoa hồng rực. Những vắt bún sợi to gần bằng chiếc đũa ăn cơm trắng phau, nổi bật trên “đĩa” làm bằng lá chuối non xanh mướt. Lát nữa, chúng tôi không chỉ ăn bánh chưng nhân cá, mà còn được thưởng thức thịt vịt nướng và bún chan sốt vịt, cũng là đặc sản của nơi này.

- Bánh chưng nhân cá ở đây có từ bao giờ hả chị?

Tôi vào bếp, nhanh tay đảo những xâu thịt nướng cho khỏi cháy, lân la hỏi chuyện chị Hương.

Chị Hương ngẩn người nghĩ rồi bỗng bật cười:

- Thú thực là em cũng chưa bao giờ nghĩ món ăn này có từ bao giờ. Chỉ biết từ đời các cụ truyền cho ông bà, ông bà truyền cho bố mẹ, rồi bố mẹ truyền đến đời con. Cứ thế mà làm thôi.

Tôi đã từng đọc một bài viết của nhà văn Nhật Minh về loại bánh này. Nhà văn kể rằng: Giáp tết năm 1945, ông và tổ công tác lên Kim Bôi (Hòa Bình) xây dựng ATK. Khi ấy Kim Bôi nổi tiếng là rừng thiêng nước độc, địa hình núi non hiểm trở. Khi bà con trong xã đang chuẩn bị đón Tết nguyên đán thì giặc Pháp tràn đến. Trong tình thế cấp bách đó, tổ công tác vận động bà con sơ tán vào rừng sâu. Bà con ở đây (chủ yếu dân tộc Tày) mang theo gạo thịt, lá dong, bánh kẹo…vào rừng đón Tết. Nhà văn Nhật Minh được mọi người mời ăn bánh chưng Tày và ông đã hết sức ngạc nhiên khi thấy nhân bánh không phải là thịt mà là cá gỡ xương xào với lá rừng…

Tìm hiểu thêm, tôi được biết không chỉ ở Hà Hiệu (Ba Bể) mà bánh chưng nhân cá chép là nét ẩm thực truyền thống của người Tày - Dân tộc chiếm đến 54% dân số của tỉnh Bắc Kạn. Bánh chưng cùng với thịt vịt béo và bún tự vắt là những món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tổ tiên, thổ địa để cầu mong cuộc sống phát triển, mùa màng bội thu trong ngày Rằm tháng 7.

Như vậy, bánh chưng nhân cá có lẽ ra đời từ cuộc sống khó khăn mà bà con “sáng tạo” ra nó. Tuy nhiên, món ăn đó lại ngon, lạ nên được duy trì và trở thành đặc sản.

>> [CẢM XÚC XUÂN] Mong ước đầu năm nơi cửa khẩu Tân Thanh

>> [CẢM XÚC XUÂN] Ấm no vẫn có tương bần

>> [CẢM XÚC XUÂN] Tĩnh mịch chiều đông Lôi Âm

Đối với người Tày Bắc Kạn, thì tết Rằm tháng 7 là tết lớn chỉ sau tết Nguyên đán. Đồng bào gọi là tết Slip slí. Làm cỗ cũng Rằm là việc vô cùng quan trọng trong mỗi gia đình.

Để có chiếc bánh chưng nhân cá chép đặt lên mâm cúng, người Tày ở Hà Hiệu phải chuẩn bị từ 3-4 tháng trước. Chị Hương kể: Khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, gia đình chọn một mảnh ruộng dành riêng cho việc nuôi cá. Ruộng được cày, bừa nhuyễn, cấy lúa như bình thường. Nhưng tuyệt nhiên không bón phân, không phun thuốc gì cả, mà để ruộng sạch hoàn toàn. Bởi vì, chạy lạch xạch dưới chân lúa kia là hàng trăm con cá chép đang lớn, chuẩn bị cho món bánh cổ truyền dâng cúng tổ tiên.

Cách Rằm tháng 7 khoảng mươi ngày, người ta lùa cá chạy vào cái hủng ở cuối ruộng rồi bắt lấy. Những con chép bằng đầu tăm mấy tháng trước nay ít nhất lớn bằng hai ngón tay, có con bằng bàn tay, béo mẫm, được cho vào giỏ rồi “treo” ra giữa dòng suối nước chảy róc rách 3 đến 4 ngày. Khi mang về nhà, con cá một màu trắng tinh, sạch sẽ, có thể nhìn thấu cả mang, ruột.

Người ta đem cá rửa sạch, nặn bỏ mật, ướp cá với chút bột canh, hạt tiêu và lá răm thái nhỏ. Sau khi đặt cá gọn ghẽ trong lớp áo gạo nếp, người ta xếp dăm ba miếng thịt ba chỉ dọc thân cá rồi đổ thêm lớp áo gạo nữa trước khi bọc chiếc lá dong bánh tẻ xanh mướt ôm trọn cá và gạo, khéo léo gói thành chiếc bánh, đem luộc…

Chúng tôi hồi hộp bóc bánh, lấy lạt cắt từng khoanh nhỏ. Hồi hộp không kém khi cắn miếng bánh đầu tiên. Thơm, bùi, ngậy. Mùi cá, mùi thịt mỡ, rau dăm… quyện vào nhau thành một mùi chung, một vị chung khó gọi tên, vô cùng hấp dẫn. Con cá được “hầm” trong ruột bánh từ 6 đến 8 tiếng trên bếp lửa đượm, nên toàn bộ xương chín nục tan nhuyễn vào bánh, thành một vị bùi đẫm chất bổ.

Quả là “miếng ngon nhớ lâu”, tôi cứ vương vấn cái vị đậm bùi thơm thảo của tấm bánh chưng nhân cá. Tôi miên man nghĩ đến thông điệp người Tày xưa muốn gửi vào món ăn dân dã mà thanh sạch này. Phải chăng, họ muốn nhắc nhở con cháu biết chèo chống vượt qua khó khăn, trong hoàn cảnh nào cũng có thể tồn tại và phát triển? Phải chăng, họ muốn nói với tổ tiên rằng: Chúng con kính dâng lên người những gì thuần khiết nhất được nuôi nấng, cấy trồng từ tấm bé trên mảnh ruộng cha ông để lại?

Rồi tôi lẩn mẩn tra cứu về văn hóa ẩm thực của người Tày trên trang web của Hiệp hội lữ hành Việt Nam. Trên đó, họ nói người Tày Bắc Kạn có đặc sản xôi màu, xôi trứng kiến, xôi rau ngót rừng, cơm lam, cá nướng, cá sấy, thịt gà giò nấu canh gừng, mắm cá, thịt lợn tái…

Tôi nôn nóng đọc đến phần bánh chưng: “Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp, nhân bánh làm bằng đậu, thịt, hành hoặc lạc. Gạo nếp vo đãi sạch sau đó gói bằng lá dong hay lá chuối rồi đem luộc chín. Bánh ăn trong dịp Tết Nguyên đán và tiết xuân”. Buồn thay, không từ nào nói đến bánh chưng nhân cá chép nuôi dưới ruộng.

Được ăn đặc sản của dân tộc Tày Hà Hiệu với tôi là một kỷ niệm không quên.

Tuy thế, tôi vẫn tiếc, vì nhiều người chưa được thưởng thức bánh chưng nhân cá chép nuôi ruộng như tôi. Giá như ngành du lịch quảng bá, giới thiệu để nhiều người được thưởng thức món ăn độc đáo này của người Tày Bắc Kạn thì vui biết mấy.

Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.

Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần.

Trân trọng cảm ơn!

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn