Những năm qua, các chương trình về phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi luôn được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, triển khai hiệu quả.
Thái Nguyên quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Thực hiện đồng bộ các Chương trình, chính sách dân tộc
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự chung sức đồng lòng quyết tâm của toàn thể nhân dân, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đem lại hiệu quả, đời sống vật chất tinh thần đồng bào DTTS được nâng cao.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng Chương trình MTQG, đề án, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho 214 hộ, giải ngân tổng kinh phí 8.540 triệu đồng, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ, với kinh phí: 406,8 triệu đồng, đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí: 12.283 triệu đồng.
Đầu tư khởi công mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xã, xóm, trường học, trạm y tế,... tại 13 xã (xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, xã chưa đạt chuẩn nông mới, chưa hoàn thành Chương trình 135). Thực hiện duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước trên địa bàn 13 xã (xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, xã chưa đạt chuẩn nông mới, chưa hoàn thành Chương trình 135).
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh, thực hiện mua sắm trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập cho học sinh dân tộc thiểu số. Các đơn vị, địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 885 người, một số đơn vị tích cực triển khai như: Trường Trung cấp dân tộc nội trú, huyện Võ Nhai,…Chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số thông qua phiên giao dịch việc làm cấp xã; cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho 512 người lao động, trong đó kết nối việc làm thành công cho 95 người.
Từng bước làm thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi
Năm 2023, huyện Đồng Hỷ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 25 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,2 tỷ đồng. Huyện đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 40 công trình thuộc các dự án, tiểu dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đổi mới hoạt động, củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông bán trú.
Đổi mới hoạt động, củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phòng giáo dục và đào tạo huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đề án chuyển đổi mô hình trường tiểu học số 2 Văn Lăng thành trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Văn Lăng tổng nguồn vốn đầu tư cho đề án trên 10 tỷ đồng gồm nhà 2 tầng 6 phòng học, nhà ở dành cho học sinh nội trú 16 phòng đáp ứng nhu cầu 120 em học sinh, bếp ăn một chiều. Nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, dự kiến tháng 8 năm học 2023-2024 mô hình sẽ đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS trên địa bàn.
Như vậy, từ các Chương trình, chính sách dân tộc được triển khai, thực hiện đồng bộ, sâu rộng qua đó đã phát huy được hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi.
Thời gian tới tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc. Trong đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tại địa phương, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tại địa phương trong thực hiện Chương trình, Nhà nước hỗ trợ, người dân chủ động thực hiện.
Ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn để tập trung hỗ trợ, thu hút thêm nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổ chức triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án và các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 theo Kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung; tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn.