Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thể hiện khát vọng xây dựng Thái Nguyên “Bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”. Một trong những nền tảng quan trọng là Thái Nguyên đã vận dụng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 để xây dựng định hướng phát triển bền vững văn hóa trong quy hoạch tỉnh và đây sẽ là nguồn lực để triển khai quy hoạch này.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên đi cơ sở để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn những dự án lớn, trọng điểm.
Khát vọng lớn
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 14/3/2023, xác định mức tăng trưởng trung bình hằng năm của thời kỳ quy hoạch đạt 8-8,5%, đưa quy mô kinh tế của tỉnh đạt khoảng 13,5 tỷ USD; nâng chỉ tiêu GRDP/người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành), cao hơn mức trung bình của cả nước( khoảng 7.500 USD/người).
Theo PGS,TS, KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Chủ nhiệm Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững, toàn diện về mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh; tăng cường thu hút đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Đồng thời, quy hoạch tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số và tận dụng những thành quả, cơ hội mới, công nghệ mới do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
Tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học để phát huy trí tuệ các nhà khoa học, chuyên gia, quản lý nhiều lĩnh vực để thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên tầm nhìn 2050 xác định: “Phấn đấu xây dựng Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - xanh - thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”.
PGS,TS, KTS Trần Trọng Hanh chia sẻ, vận dụng Đề cương về văn hóa Việt Nam, các quan điểm của Đảng và Nhà nước về văn hóa, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thể hiện và xác định: Phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển văn hóa, nâng cao hiệu quả công tác gia đình, bảo đảm giữ gìn bản sắc của vùng đất và con người Thái Nguyên.
Đồng thời, Quy hoạch tỉnh cần xác định bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp, các di tích có giá trị phát triển du lịch; đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới các công trình văn hóa, thể thao đạt chuẩn; bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cần xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, đột phá dựa trên nguồn tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên đặc thù của tỉnh với sự tham gia của cộng đồng; tăng cường đầu tư của nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Như vậy có thể thấy, sau 80 năm kể từ ngày ra đời, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với ý nghĩa to lớn và các giá trị nổi bật mang tính lịch sử và thời đại được phát huy trong quá trình xây dựng, thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện khát vọng xây dựng Thái Nguyên xứng đáng với vị thế, vai trò đối với vùng và cả nước.
Tiềm năng dồi dào
Đặt vấn đề về tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện- Nhìn từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, PGS,TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Thái Nguyên có một lịch sử hào hùng và đặc sắc; có đủ các yếu tố để tạo dựng phát triển đầy tự tin và một tương lai tươi sáng.
Thái Nguyên từng là “Thủ đô gió ngàn” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; là “Thủ phủ Gang thép” của miền bắc thời “Công nghiệp hóa và chủ nghĩa xã hội” trong thập niên 60-80 của thế kỷ trước; là trung tâm (lắp ráp) điện thoại thông minh Samsung lớn nhất thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây của nền kinh tế Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế.
PGS, TS Trần Đình Thiên
“Thái Nguyên từng là “Thủ đô gió ngàn” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; là “Thủ phủ Gang thép” của miền bắc thời “Công nghiệp hóa và chủ nghĩa xã hội” trong thập niên 60-80 của thế kỷ trước; là trung tâm (lắp ráp) điện thoại thông minh Samsung lớn nhất thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây của nền kinh tế Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế. Trong quá khứ và hiện tại, chưa địa phương nào có vị thế tương tự, đây chắc chắn không phải, không thể là một điều may mắn hay sự tình cờ”, PGS, TS Trần Đình Thiên chia sẻ thêm.
Thái Nguyên có 3 nhóm tiềm năng, lợi thế chính hợp thành thế và lực để phát triển tổng hợp, “cất cánh”.
Nhiều lễ hội truyền thống ở Thái Nguyên được bảo tồn, phát huy.
Trước tiên, là tài nguyên tự nhiên, bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nông nghiệp và tài nguyên du lịch.
Thái Nguyên không có nhiều loại khoáng sản, song có những loại khoáng sản quý hiếm đặc biệt là volfram, bismuth đủ để tạo thế mạnh phát triển khác biệt, cạnh tranh toàn cầu thông qua vào việc tạo lập hoặc tham gia chuỗi sản xuất công nghệ cao với vai trò không thể thay thế.
Tỉnh có nguồn tài nguyên đất đai, rừng, núi đủ lớn và đặc sắc, thích hợp để phát triển một nền nông nghiệp đặc sản, công nghệ cao mà chè Thái Nguyên là một điển hình. Diện tích lớn, nền đất tốt, nguồn nước sạch dồi dào, tạo lợi thế cho tỉnh trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Tài nguyên du lịch của Thái Nguyên nhiều chủng loại, nổi bật là hồ Núi Cốc, kết hợp với toàn bộ sườn đông dãy Tam Đảo chưa được khai thác, cộng với tài nguyên lịch sử, văn hóa phong phú và đặc sắc, tạo thành “nguồn lực dự trữ”, lợi thế để phát triển du lịch trong tương lai.
Hai là, vị thế vùng-tọa độ kết nối không gian và liên kết phát triển là một lợi thế đặc biệt, khác biệt của Thái Nguyên. Vị trí địa lý cho phép hình dung vị thế kết nối vùng của Thái Nguyên với duyên hải Đông Bắc, kết nối Việt Bắc với Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây là tiềm năng, tiền đề để Thái Nguyên trở thành trung tâm hội tụ và lan tỏa phát triển.
Yếu tố làm gia tăng đáng kể giá trị của lợi thế, vị thế này của Thái Nguyên trong cấu trúc phát triển hiện đại là vị thế địa kinh tế đặc biệt trong khu vực là gần kề Hà Nội, chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài 60 km bằng đường cao tốc. Đây là một lợi thế, tạo thuận lợi đặc biệt về giao thông kết nối, nhất là kết nối quốc tế, tăng sức cạnh tranh thu hút đầu tư chất lượng cao.
Ba là, lợi thế là trung tâm phát triển vùng trung du miền núi Bắc Bộ ở hầu khắp các khía cạnh cơ bản của đời sống, như kinh tế, xã hội, giáo dục- đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ. Thành phố Thái Nguyên hội tụ nhiều trường đại học cấp vùng, bệnh viện hạng đặc biệt( Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên).
Xét trên mọi tiêu chí phát triển, cả số lượng lẫn chất lượng, Thái Nguyên hiện đang xếp hàng đầu 14 tỉnh trung du, miền núi phía bắc.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên thu hút khoảng 10,5 tỷ USD vốn FDI, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo PGS,TS Trần Đình Thiên, cho đến nay, thế và lực đó cơ bản vẫn là tiềm năng, chưa chuyển hóa đầy đủ thành động lực phát triển; những kết quả phát triển Thái Nguyên đạt được, dù ấn tượng và đáng tự hào, vẫn chưa đến tầm tiềm năng, lợi thế, vẫn giới hạn chủ yếu trong “phạm vi Thái Nguyên” và “vì Thái Nguyên”.
Giai đoạn tới, nhiệm vụ chuyển hóa tiềm năng thành động lực phát triển, biến lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, nỗ lực trở thành cực tăng trưởng vùng, trung tâm liên kết, hội tụ, lan tỏa phát triển vùng vẫn là nội dung chủ đạo, xuyên suốt chiến lược phát triển mà Thái Nguyên hướng tới.