Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới đã nâng thương hiệu, nâng giá trị chè Thái Nguyên.
Là tỉnh có 51 thành phần dân tộc, trong đó 8 dân tộc thiểu số có số đông, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, chủ yếu sinh sống ở miền núi, địa hình phức tạp, nhưng những năm qua, với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên phát triển sâu rộng, người dân tự giác thực hiện, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Đến nay, gần 86% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là do trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện chương trình này với quyết tâm cao nhất, quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”.
Hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện
Những năm vừa qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên có cơ chế hỗ trợ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân tích cực tham gia với tư cách là chủ thể thực hiện và hưởng thụ nên xây dựng nông thôn mới không chỉ là phong trào mà đã trở thành việc làm tự giác với mục tiêu xây dựng hạ tầng nông thôn ngày phát triển, hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nông thôn văn minh, bản sắc.
Xã Tân Cương nằm ở vùng lõi của chè đặc sản Thái Nguyên, là một điển hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hiện đại, văn minh, giàu bản sắc. Đường từ trục chính của xã vào đến các xóm, khu dân cư, ngõ đều rộng rãi, cứng hóa, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Đường đi qua những nương chè, đồi chè thấp, được trồng ngay ngắn, tạo ra cảnh quan đẹp.
Trên địa bàn xã có hàng chục hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè; tri thức trồng, chế biến chè Tân Cương là di sản văn hóa cấp quốc gia; cơ bản không còn hộ nghèo, kinh doanh chè chủ yếu bằng hình thức thương mại điện tử.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên Phạm Văn Sỹ cho biết: đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trên tổng số 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, dự kiến hết năm nay có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 108/126 xã( 85,7% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có gần 16% số xã đạt nông thôn mới nâng cao và gần 4% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân đạt 18,2 tiêu chí/xã.
Hơn 10 năm trước, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, vốn là 1 tỉnh miền núi, kinh tế-xã hội chưa phát triển, 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng khó khăn, hầu hết các xã đều có điểm xuất phát thấp, nhưng đến nay, Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới ở vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Đây là nỗ lực lớn, bền bỉ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nổi bật nhất có thể kể đến là kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn trên địa bàn không ngừng hoàn thiện, đó là quy hoạch các xã đi trước một bước để làm cơ sở đầu tư hạ tầng. Đến nay, 94,4% xã đạt tiêu chí giao thông; 100% các xã đạt các tiêu chí về thủy lợi, điện, y tế, văn hóa, an ninh; các tiêu chí khác như hạ tầng số, hạ tầng thương mại, môi trường... đều đạt từ 90% trở lên.
Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới đã nâng thương hiệu, nâng giá trị chè Thái Nguyên.
Tổ chức lại sản xuất, cải thiện đời sống người dân
Một trong những mục tiêu lớn của xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Thái Nguyên hướng tới là củng cố, phát triển quan hệ sản xuất ở nông thôn bằng những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để làm ra những sản phẩm có giá trị, thương hiệu bán trên thị trường, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Chỉ tính trong hơn 2 năm qua, tỉnh đã tổ chức, thành lập mới 109 hợp tác xã nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 495 hợp tác xã nông nghiệp và 5 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.
Các xã trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là một số xã có từ 3 đến 8 hợp tác xã nông nghiệp cùng hoạt động, tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp; hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.
Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn được triển khai mạnh mẽ với kết quả là đạo tạo ra tổng số 173 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, nên giá trị gia tăng được nâng lên.
Đồng thời, tỉnh gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng, cho biết: đến nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 93% số xã đạt tiêu chí về thu nhập, 92% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, thúc đẩy việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đó là tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực nông thôn giảm chỉ còn 5,1%.
Trên đà đi tới, Thái Nguyên phấn đầu đến hết năm nay, toàn tỉnh có 94,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 24,3% số xã nông thôn mới nâng cao, 6,7% số xã nông thôn mới kiểu mẫu.