Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các nhóm giải pháp cụ thể và đã đạt được kết quả khá tích cực.
Theo dữ liệu Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm 2023: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 5,17%, giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 405 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so cùng kỳ, bằng 39,7% kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 13,3 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ và bằng 37,9% kế hoạch cả năm.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.273 tỷ đồng, đạt 41,1% kế hoạch năm và bằng 87% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.102 tỷ đồng, tăng 3,7% so cùng kỳ và bằng 51,3% kế hoạch năm.
Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả tích cực. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh cấp mới 15 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 116,75 triệu USD; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 185 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đạt gần 10,5 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 33.468,5 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ; tổng doanh thu vận tải, kho bãi trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.551,6 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 5,17%
Lĩnh vực xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe người dân tiếp tục được quan tâm, số lượt khám bệnh BHYT từ đầu năm đến nay là 885.838 lượt; toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề nghiệp cho 5,5 nghìn người; tình hình tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí là số vụ tại nạn, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022…
Về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả tích cực: hoàn thành việc thẩm định và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận 10 xã đạt chuẩn NTM, 09 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022.
Toàn tỉnh hiện có 108/126 xã đạt chuẩn NTM (không bao gồm các xã đã lên phường và sáp nhập), bằng 85,7% tổng số xã; trong đó có 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 90 xóm NTM kiểu mẫu. Đặc biệt là huyện Phú Bình đã được Thủ tướng quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đề nghị tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; làm tốt công tác quản lý thu, chi, chống thất thu ngân sách Nhà nước; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; công tác quản lý đất đai trên địa bàn, nhất là đối với các địa phương đang triển khai các dự án, công trình trọng điểm.
Thái Nguyên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư trong và ngoài ngân sách; đồng thời, làm tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản trên địa bàn; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ...