Công nhân Điện lực Thành phố Thái Nguyên tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất thép sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm điện.
Hưởng ứng chương trình DR
Năm 2023 xác định nguồn cung điện có nhiều khó khăn trong khi nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao do thời tiết nắng nóng, để giảm áp lực và đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải quốc gia, công tác tiết kiệm năng lượng trở thành nhiệm vụ cấp thiết được cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên quan tâm, cùng vào cuộc. Ngay từ đầu năm Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp tuyên truyền đến các khách hàng sử dụng điện đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm, qua đó doanh nghiệp có các giải pháp tiết kiệm điện và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Ông Trần Hồ Nam – Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết, sản lượng điện thương phẩm lũy kế toàn tỉnh đến tháng 4 năm 2023 đạt 1.745,62 tr.kWh, tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỷ lệ tiêu thụ điện phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm 77,65% tăng 1,85%; điện cho quản lý và tiêu dùng chiếm 18,02%, tăng 5,83% so với cùng kỳ; thành phầm còn lại chiếm 4,55%, tăng 21,11% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy nhu cầu điện trong các thành phần đều có sự tăng lên.
Là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp Thái Nguyên vẫn tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022. Sản xuất công nghiệp tăng kéo theo tỷ lệ điện tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ điện của địa phương.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tiết kiệm sâu rộng đến mọi đối tượng khách hàng đặc biệt là khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm.
“Chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận của doanh nghiệp trong việc thực hiện chương trình Điều chỉnh phụ tải (DR), năm 2023 số khách hàng đã ký thỏa thuận DR với Công ty Điện lực Thái Nguyên là 118 khách hàng với 147 điểm đo, tương ứng với công suất tiết giảm cực đại theo biểu đồ phụ tải khách hàng đăng ký đạt 97MW”- ông Trần Hồ Nam cho biết.
Điển hình như khu vực thành phố Thái Nguyên, nơi có nhiều doanh nghiệp sản xuất thép tiêu tốn nhiều điện năng hoạt động, tuy nhiên thông qua công tác tuyên truyền hiện 47/47 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đóng trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã tham gia ký cam kết Chương trình DR.
Chuyển đổi dây chuyền thiết bị hiệu suất lớn
Ông Dương Thủy Bình – Giám đốc Điện lực TP. Thái Nguyên cho biết, năm 2022 sản lượng điện thương phẩm của thành phố đạt 1.103,534 tr.kWh, trong đó sản lượng điện tiêu thụ của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đạt 527,213 tr.kWh tương đương 47%. Do vậy, bên cạnh ký cam kết thực hiện DR, các doanh nghiệp cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp về đổi mới công nghệ, quản lý nội vi nhằm tiết kiệm điện.
Công ty Cổ phần Cơ khí Gang thép Thái Nguyên bên cạnh tham gia chương trình DR, doanh nghiệp còn đầu tư chuyển đổi thiết bị hiệu suất cao
Đơn cử tại Công ty Cổ phần Cơ khí Gang thép Thái Nguyên, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này tiêu thụ khoảng 6 triệu kWh. Bên cạnh việc tham gia chương trình DR, ông Ngô Lâm Tùng – Trưởng phòng Quản lý thiết bị công ty cho biết, thời gian qua, công ty đã đầu tư mới dây chuyền gia công cơ khí, toàn bộ máy móc cũ được thay bằng máy CNC và lắp biến tần, tỷ lệ tiết kiệm điện lên đến 50%, sử dụng đèn Led tiết kiệm năng lượng, dây chuyền cán thép hiện đại… đã giúp công ty tiết kiệm trung bình từ 15-20% lượng điện năng trong sản xuất.
Theo đó, công ty đã thay bóng đèn công suất 300W sang đèn Led tiết kiệm điện có công suất 75W; đầu tư dây chuyền công nghệ cán thép không phải nung phôi có mức tiêu hao năng lượng thấp chỉ từ 85-95 kWh/tấn sản phẩm trong khi công nghệ cũ là 120 kWh/tấn sản phẩm, đồng thời công nghệ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí không phải đầu tư thêm lò nung phôi và chi phí điện cho vận hành lò nung…
Triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ, PC Thái Nguyên cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các đơn vị hành chính trong toàn tỉnh, các tổ dân cư, khu phố, trường học… để người dân nâng cao nhận thức trong sử dụng điện tiết kiệm và an toàn, đặc biệt là trong các chương trình họp tổ dân phố, chương trình Giờ Trái đất….
Tuyên truyền tiết kiệm điện cho các em học sinh tại Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng- Điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Riêng trong Giờ Trái đất năm 2022, sản lượng điện tiết kiệm của Thái Nguyên đạt 25.500 kWh và năm 2023 con số này là 28.500 kWh. Ngoài ra, tính đến 30/4/2023, PC Thái Nguyên cũng đã ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà với 345 khách hàng gồm 346 điểm đo với tổng công suất đặt là 4.004,205 kWp, trong 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng phát lên lưới đạt 389.012 kWh với chi phí mua điện 771,368 triệu đồng.
Với những giải pháp đồng bộ trên, Thái Nguyên tin tưởng rằng mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng nói chung và các lĩnh vực khác nói riêng mà tỉnh đặt ra đến năm 2025 hoàn toàn khả quan.
|