Thái Nguyên: Phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc

  • kinhte.congthuong.vn
  • 12/06/2023
Đó là bài viết được Chuyên trang Kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương điện tử đăng ngày 08/5. Tác giả phản ánh, trong thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc từng bước được Thái Nguyên đầu tư, khai thác và dần hình thành một số mô hình điểm về du lịch cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 5 địa điểm được lựa chọn xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng và là sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:
 

Làng nhà sàn Thái Hải thu hút học sinh đến tham quan, trải nghiệm vào các buổi học ngoại khóa

Hoạt động du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc đang được Thái Nguyên đầu tư, khai thác hiệu quả.

Thái Nguyên là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, có tiềm năng phong phú về du lịch tự nhiên và nhân văn với trên 1000 di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là khai thác, phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng triển khai dự án.

Trong thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc từng bước được Thái Nguyên đầu tư, khai thác và hình thành một số sản phẩm du lịch như: Du lịch cộng đồng vùng chè Tân Cương, vùng chè La Bằng, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Làng văn hóa dân tộc bản Quyên...

Trong đó, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải hay còn gọi là Làng nhà sàn Thái Hải đã được công nhận là điểm đến du lịch của địa phương năm 2014. Đây là nơi bảo tồn, lưu giữ hơn 30 ngôi nhà sàn của người Tày, Nùng với tuổi đời lên tới cả trăm năm. Tất cả đều được chuyển từ khu ATK Định Hóa và được phục dựng nguyên bản với mục đích bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Những năm qua, Làng nhà sàn Thái Hải với không gian văn hoá và cuộc sống sinh hoạt được giữ nguyên theo truyền thống của đồng bào đã trở thành điểm đến lý tưởng với du khách trong và ngoài nước. Tại đây, du khách được nghỉ dưỡng trong một không gian tươi xanh, được tìm hiểu, trải nghiệm các nét văn hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng xứ Thái như các hoạt động lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, trải nghiệm nông nghiệp cùng bà con... Điểm nhấn ấn tượng và thu hút khách du lịch là Làng có hệ thống cơ sở vật chất khá đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu ăn uống, lưu trú và trải nghiệm với đoàn khách có số lượng hàng nghìn người. Nơi đây được đánh giá như một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc.

Đặc biệt, ngày 12/3 vừa qua, Làng nhà sàn Thái Hải là đại diện duy nhất Đông Nam Á giành giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới” do Tổ chức Du lịch thế giới tổ chức. Đây là giải thưởng nhằm công nhận các điểm đến nông thôn coi du lịch là động lực phát triển và cơ hội mới tạo ra việc làm và thu nhập gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Giải thưởng này cũng vinh danh những ngôi làng có cam kết đổi mới, định hướng phát triển bền vững ở những khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và tập trung phát triển du lịch phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.

Du khách tham quan, trải nghiệm hái chè tại vùng chè xã La Bằng, huyện Đại Từ

Bên cạnh Làng nhà sàn Thái Hải, du lịch cộng đồng vùng chè Tân Cương cũng là một điểm đến thu hút khách du lịch. Nơi đây đã được công nhận là điểm du lịch của địa phương năm 2017. Vùng chè Tân Cương gây ấn tượng đặc biệt với du khách bởi những đồi chè bát úp nối tiếp nhau trùng trùng điệp điệp của vùng trung du. Tại đây, du khách được trải nghiệm văn hóa của người trồng chè địa phương. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm hái chè, sao chè và thưởng thức sản phẩm của mình làm ra tại các điểm đến du lịch cộng đồng như: Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã chè Tiến Yên... Phát triển du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương là một trong những hướng đi phù hợp, góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương.

Trải nghiệm giã bánh dày tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai

Nhằm phát triển du lịch, Thái Nguyên đã xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ để phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 5 địa điểm được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2022, tỉnh đã triển khai xây dựng 2 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai và xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.

Hợp tác xã chè Hảo Đạt thành công từ mô hình sản xuất chè theo chuỗi liên kết

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang hoàn thiện bộ chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tiến tới triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ các địa phương và người dân tại các điểm du lịch cộng đồng được đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch... Qua đó, góp phần tạo việc làm cho người lao động, hình thành các điểm du lịch mới thu hút khách. Đồng thời, thu hút đầu tư các khu sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo… Tiếp tục phát triển du lịch khám phá hang động mạo hiểm tại hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai). Đặc biệt, chú trọng phát triển công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; định vị thương hiệu du lịch, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng các mô hình điểm về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ tại các điểm du lịch cộng đồng sẽ góp phần tạo sự đổi thay mạnh mẽ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên.


kinhte.congthuong.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn