Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng hiện đại.
Nhằm tạo sức bật thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ của các dự án trọng điểm, trong đó ưu tiên việc cung ứng vật liệu xây dựng cho các công trình.
Nhiều dự án trọng điểm thiếu nguồn vật liệu san lấp
Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 như: Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Thái Nguyên; dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực - TP Thái Nguyên; dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường gom bên trái cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn từ nút giao Sông Công đến nút giao Tân Lập; dự án Khu công nghiệp Sông Công II; dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy; dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc; dự án sân golf hồ Núi Cốc... Các dự án chủ yếu tập trung tại các thành phố: Phổ Yên, Sông Công, Thái Nguyên và các huyện Phú Bình, Đại Từ.
Trong những năm qua, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, thực tế các dự án, công trình hiện nay đều cần sử dụng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng khá lớn, trong khi nguồn cung cấp vật liệu lại hạn chế.
Mặc dù trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm mỏ đất nằm trong quy hoạch vật liệu xây dựng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng các điểm này phân bố không đều, trữ lượng nhỏ và thời gian khai thác ngắn, do đó khả năng cung cấp vật liệu cho các dự án đang triển khai còn yếu, ảnh hưởng tới tiến độ của các công trình.
Các cấp, ngành cùng vào cuộc
Trước thực tế này, các chủ đầu tư, trong đó có Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn, trọng điểm như dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc; dự án đường vành đai 5 đoạn Phú Bình đi Bắc Giang… đã đề xuất với UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các công trình theo kế hoạch đề ra.
Ngày 16/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Thông báo số 1679-TB/TU về việc cấp phép khai thác đất san lấp để ưu tiên phục vụ các công trình trọng điểm của tỉnh; ngày 3/4/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên có Công văn số 1384/UBND-CNNXD; Thông báo số 09/TB-UBND ngày 01/02/2023 Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng về kế hoạch triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 22/TB-UBND ngày 02/3/2023 kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường tại cuộc họp giải quyết vướng mắc một số nội dung trong khu công nghiệp và một số dự án công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh...
Mới đây, ngày 24/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có chỉ đạo về cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trọng điểm; tháo gỡ vướng mắc về đất đai, bất động sản. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tham mưu cấp phép khai thác mỏ vật liệu cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình trọng điểm của tỉnh.
Đối với Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tham mưu làm việc với nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết theo quy định. UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính chủ trì thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến giá cả của thị trường vật liệu xây dựng để kịp thời cập nhật, tham mưu công tác quản lý nhà nước về giá; phối hợp với Sở Xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng thông thường đảm bảo phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.
Đối với UBND các huyện, thành phố phối hợp cùng các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá bồi thường, hỗ trợ về đất, bồi thường cây cối, hoa màu đối với các mỏ mới nằm trong quy hoạch vật liệu xây dựng của tỉnh đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định.
Trụ sở Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố cần dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để cung cấp cho hoạt động xây dựng công trình, dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Cùng với đó là tuyên truyền tới các chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức được cấp phép khai thác mỏ vật liệu ưu tiên tập trung cung ứng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh; rà soát, nâng công suất các mỏ vật liệu đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.
Với những giải pháp cụ thể, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các cấp, ngành đang tích cực vào cuộc, thực hiện đúng theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023. Theo đó, các cấp, ngành cần quyết liệt tham mưu, không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền… Qua đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, từng bước xây dựng địa phương ngày một phát triển, ổn định kinh tế - xã hội, hướng đến là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.