Thái Nguyên nỗ lực vì sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • daibieunhandan.vn
  • 07/08/2023
Đó là bài viết được Báo Đại biểu Nhân dân đăng ngày 5/8. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 10 Dự án thành phần giúp giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, ổn định dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào, hướng đến mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững ở miền núi, vùng sâu, vùng xa Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Cùng với cả nước, 6 tháng đầu năm 2023, công tác dân tộc được cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ vậy, các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai đạt kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân, đẩy nhanh tiến trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ các vùng khó

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Đức Cường, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 10 Dự án thành phần giúp giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, ổn định dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào, hướng đến mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với ý nghĩa to lớn đó, ngay từ khi triển khai, Chương trình luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai đã phát huy hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng.

Bài toán thiếu đất sản xuất sẽ được giải quyết từ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Điển hình, trong 6 tháng đầu năm, Ban Dân tộc đã chủ trì thực hiện Dự án “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”. Kết quả, đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đối với 46 hộ dân, kinh phí 138 triệu đồng; triển khai thi công 8 công trình hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung với mức kinh phí gần 2,5 tỷ đồng. Đối với Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”, hiện đang triển khai thực hiện 25 công trình với mức kinh phí trên 24 tỷ đồng. Đối với Dự án “Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, đến nay đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình trên 16.990ha diện tích bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên; hỗ trợ trồng 285ha rừng sản xuất và 20ha rừng phòng hộ; trợ cấp gạo cho hộ đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng...

Về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa đã xây dựng hồ sơ dự án liên kết với dự kiến 13 chuỗi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, huyện Phú Bình và Đồng Hỷ đã lấy ý kiến các hộ thuộc diện hỗ trợ và xây dựng kế hoạch thực hiện...

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Đức Cường, nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng DTTS được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, 100 % xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,79% xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế trong đó có trên 90% xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung thuộc Chương trình của các bộ, ngành Trung ương ban hành còn chậm và chưa cụ thể, thống nhất dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, địa bàn các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là các xã thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có địa bàn rộng, địa hình khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu; trình độ dân trí giữa các vùng DTTS không đồng đều; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Công tác giảm nghèo đã có nhiều thành tựu lớn, song giảm nghèo còn chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung của tỉnh chậm được thu hẹp; một số xã còn khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS; phối hợp khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra ở vùng DTTS; chủ động nắm bắt tình hình các địa bàn nhạy cảm về an ninh trật tự không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách mới ban hành; bảo đảm chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác dân tộc từ tỉnh tới cơ sở tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ban Dân tộc, gắn với việc đổi mới phương thức điều hành tạo sự công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước; sử dụng, khai thác hiệu quả phần mềm quản lý, điều hành của Ban Dân tộc. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc ở các sở, ngành, địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những bất hợp lý, bất cập trong quản lý nhà nước và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc. Chú trọng thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề liên quan đến đời sống, lợi ích hợp pháp của đồng bào DTTS.


daibieunhandan.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn