Thái Nguyên: Đổi thay tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng

  • baoxaydung.com.vn
  • 30/08/2023
Đó là bài viết được Báo Xây dựng đăng ngày 29/8. Tác giả phản ánh: Phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân phường Tiên Phong đã đoàn kết chung sức, chung lòng tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển, trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

Vào những ngày đầy ý nghĩa lịch sử này, chúng tôi có dịp về xã Tiên Phong (nay là phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Một góc gần trung tâm xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên hiện nay.

Vùng quê giàu truyền thống cách mạng

Năm 2013, Tiên Phong đã được Nhà nước chính thức công nhận là nơi sinh ra vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam, người có công lớn khai sinh ra nước Vạn Xuân – mở đầu triều Tiền Lý. Lý Nam Đế, tên thật là Lý Bí (503-548), ông là người khai sinh ra nền độc lập tự chủ đầu tiên của nước Việt và cũng là người đầu tiên xưng Đế, có quê gốc ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Chùa Hương Ấp - di tích lịch sử gắn với thời thơ ấu của Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên.

Khu di tích Lý Nam Đế tại Tiên Phong hiện nay bao gồm: Đền Mục - di tích lịch sử tiêu biểu thờ đức Vua Lý Nam Đế; chùa Hương Ấp - di tích lịch sử gắn với thời thơ ấu của Lý Nam Đế; chùa Mãn Tăng - nơi lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại gắn với đức Vua. Ngoài ra, còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của vua Lý Nam Đế như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần ngựa, đồi Cao Vương… Nhằm tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, Khu di tích Lý Nam Đế đã được quy hoạch tổng thể với diện tích 54ha, được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Theo quy hoạch, đền Mục được chọn là trung tâm, điểm nhấn của khu di tích với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng (mỗi điểm quy hoạch 5ha). Theo đề xuất của địa phương, giai đoạn 1 của dự án sẽ được thực hiện từ năm 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư trên 262 tỷ đồng.

Di tích Nhà bà Lưu Thị Phận, thôn Cổ Pháp, Tiên Phong là địa điểm bí mật đưa đón cán bộ, phát hành báo chí, tổ chức một số cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng và Xứ ủy trước năm 1945.

Không chỉ là nơi sinh ra và lớn lên của vị vua đầu tiên của nước Việt, Tiên Phong còn là ATK II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Là nơi ở và làm việc của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Xứ ủy trong thời kỳ hoạt động bí mật (1941) như: Đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Các đồng chí trong xứ ủy: Nguyễn Hải Lục, Nguyễn Trọng Tỉnh…

Không chỉ bảo vệ tuyệt đối cho cơ sở cách mạng, các cán bộ Đảng, quân và dân Tiên Phong còn tham gia chiến đấu lập nhiều chiến công, phát động khí thế cách mạng của quần chúng, tạo thuận lợi cho việc đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Năm 1993, xã Tiên Phong đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp, khu di tích lịch sử Tiên Phong đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tiên Phong ngày mới

Phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân phường Tiên Phong đã đoàn kết chung sức, chung lòng tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển, trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đường làng, ngõ xóm khang trang, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đồng chí Nguyễn Văn Giáp - Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Trong những năm qua, Tiên Phong luôn duy trì tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Điển hình năm 2022: Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 24,1%/năm; nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,5%/năm; thương mại, dịch vụ đạt 22,7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng 16,8%/năm, đến nay là: 69,36 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng 24,1%/năm. Đến năm 2022 đạt 788,3 tỷ đồng. Thu ngân sách hằng năm đạt 179,4% kế hoạch, tăng 79,4% (mục tiêu đề ra hoàn thành 100%). Duy trì 5 trường đạt chuẩn quốc gia, giữ vững phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm là 1,13% (kế hoạch đề ra là 2%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98% (kế hoạch là 97%). Cuộc vận động xây dựng gia đình, làng bản, cơ quan văn hoá được nhân dân hưởng ứng và đi vào cuộc sống, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.

Nhiều công trình mới đang được xây dựng trên quê hương cách mạng Tiên Phong.

Để có được kết quả đó, Bí thư Đảng ủy phường khẳng định: Công tác xây dựng hạ tầng cơ sở những năm qua có vai trò quan trọng là tiền đề cho sự phát triển, đổi thay của địa phương. Trong 2 năm gần đây, phường đã xây dựng được 11,8km đường giao thông, xây dựng và sửa chữa 3,12km kênh mương, nhà văn hóa, bằng nguồn vốn chủ yếu là huy động từ nhân dân, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều công trình đã và đang được triển khai trên địa bàn sẽ góp phần tiếp tục làm thay đổi toàn diện diện mạo địa phương như: Công trình đường giao thông từ đường vành đai 5 - chùa Hương Ấp; đường Cao Vương - đê Hà Châu ; nhà lớp học 3 tầng trường trung học cơ sở và nhà lớp học 2 tầng trường Tiểu học Tiên Phong 2; xây dựng 2,4km đường điện chiếu sáng cao áp, một trạm biến áp và 1,02km đường dây điện hạ thế, cải tạo, nâng cấp toàn bộ đường điện trung, cao thế tổng chiều dài là 17,24km. Đầu tư xây dựng tu sửa tôn tạo di tích đình Nguyễn Hậu, sửa chữa tôn tạo 2 di tích cách mạng cấp quốc gia nhà bà Lưu Thị Phận và nhà ông Ngô Hải Long; cải tạo tu bổ xây dựng đền thờ Lý Nam Đế và chùa Hương Ấp; lập Dự án xây dựng khu rừng thiền Vạn Xuân trong quần thể di tích Lý Nam Đế tổng giá trị đầu tư trên địa bàn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đồng chí cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới phường sẽ phối hợp với các cấp thành phố, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là các dự án lớn như: Quần thể di tích Lý Nam Đế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập Trung Yên Bình; Khu công nghiệp Yên Bình giai đoạn 2; khu đô thị Tiên Phong 1 và khu đô thị Tiên Phong 2; điểm khu dân cư Trung tâm cầu Gô; các dự án đường giao thông, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Hương Ấp và khu rừng thiền Vạn Xuân. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị văn minh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên Đồng Văn Tân cũng cho biết thêm: Tiên Phong là vùng đất cách mạng đã được quy hoạch và được công nhận khu quần thể di tích quốc gia Lý Nam Đế. Thời gian qua, bằng các nguồn vốn Trung ương, địa phương và nguồn vốn xã hội hóa đã đầu tư xây dựng khu di tích, làm thay đổi căn bản diện mạo địa phương (vốn ngân sách trên 100 tỷ; vốn xã hôi hóa trên 1000 tỷ). Qua đó, tiếp tục hướng Tiên Phong phát triển, thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển các làng nghề truyền thống và phát triển du lịch tâm linh, lịch sử, nhằm phát huy tối đa các lợi thế của một địa phương đang phát triển năng động để không ngừng nâng cao giá trị đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên quê quê hương cách mạng.


baoxaydung.com.vn

Nguồn/Source: https://thainguyen.gov.vn