Với tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng các đề án, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng để từ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xa hơn là hướng đến xuất khẩu.
Nâng cao giá trị sản phẩm chè xanh
Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất cả nước, với trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm đạt 20,9 nghìn ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 260.000 tấn, giá bán chè Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn các vùng chè khác trong cả nước.
Vùng chè hữu cơ tại tỉnh Thái Nguyên Ảnh: ITN
Tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ đời sống kinh tế - xã hội của bà con nơi đây đang đổi thay từng ngày nhờ cây chè. Diện tích chè kinh doanh của xã khoảng 400ha, được trồng, chăm sóc theo các quy định nghiêm ngặt về sản xuất chè sạch và an toàn. Nhiều năm nay, thu nhập từ loại cây trồng mũi nhọn này đã giúp các hộ dân trong xã có đời sống ngày càng sung túc hơn. Khe Mo đặt kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây chè, phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm từ cây chè tập trung ở các xóm Tiền Phong, Ao Rôm, Ao Đậu... Được biết, giống chè nông dân Khe Mo canh tác chủ yếu là các loại chè cành như Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, Long Vân và chè lai F1; đó là những loại chè thông dụng, cho năng suất cao và được người tiêu dùng ưa thích.
Để tăng năng suất và chất lượng, nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã đẩy mạnh trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản.
Bình quân mỗi năm, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trồng mới và trồng thay thế trên 500ha chè, tỷ lệ giống mới đạt 18.376ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh. Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững… Qua đó, nâng cao giá trị, uy tín, sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên trên thị trường, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm chè từ 1,5 - 2 lần so với trước khi được bảo hộ, góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng thu nhập cho người trồng chè, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái sản phẩm chè Thái Nguyên.
Xây dựng, phát triển "thương hiệu" sản phẩm nông sản
Tiềm năng và lợi thế là vậy song việc phát triển bền vững cây chè, thương hiệu sản phẩm chè của Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên Phạm Quốc Chính cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè đã được công nhận bảo hộ tại EU thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); 2 nhãn hiệu chứng nhận là “Chè Phú Lương” và “Chè Võ Nhai”; 9 nhãn hiệu tập thể, gồm: “Chè Thái Nguyên”, “Chè La Bằng”, “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Trại Cài”, “Chè Đại Từ”, “Chè Phổ Yên”, “PD Phú Đạt GREEN TEA”, “Thanh Tình Hợp tác xã Chè”. Ngoài ra, có 96 nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ
Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia sản xuất chè giảm; quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ, mặc dù đã phát triển thêm nhiều hợp tác xã, nhưng chưa có sự liên kết giữa các hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ; thị trường nội tiêu là chủ yếu, khối lượng và giá trị xuất khẩu thấp; công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu chè Thái Nguyên chưa được quan tâm đúng mức.... Điều này dẫn đến tình trạng một số thương hiệu chè Thái Nguyên bị làm giả, làm nhái trong thời gian vừa qua.
Hiện tại, ở Thái Nguyên có bốn vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương) được mệnh danh là “Tứ đại danh trà” đất Thái Nguyên. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thường mỗi gia đình ở đây đều có vườn chè và lò sấy riêng và chủ hộ đóng rất nhiều vai khác nhau như: người nông dân cần cù khi trồng và chăm sóc cây chè, người công nhân giỏi khi chế biến và một thương nhân khi bán hàng. Mỗi một vùng, mỗi một nhà đều có hương vị trà khác nhau với các bí quyết riêng.
Theo Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Khe Cốc Tô Văn Khiêm, Khe Cốc là một vùng chè trọng điểm và là niềm tự hào của huyện Phú Lương; trà Khe Cốc có sợi dài, đều, màu nhạt, nước trà màu xanh tươi sáng, vị trà chát dịu, êm ái, hậu vị, ngọt sâu. Chúng tôi lấy hương vị đặc trưng hương vị và yếu tố sạch để phát triển thương hiệu rộng rãi. Sau khi nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ, các sản phẩm của chúng tôi đã được trưng bày, giới thiệu tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở một số quốc gia. Việc thương hiệu được khẳng định đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm, lợi nhuận cũng tăng so với trước.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP chè Hà Thái, chia sẻ, để tạo ra sản phẩm tốt nhất xuất khẩu ra các thị trường khó tính, chúng tôi không ngừng cải tiến dây chuyền sản xuất, liên kết với người dân để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về nguyên liệu, chất lượng. Bước đầu là tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam, sau đó là các tiêu chuẩn của châu Âu, của Mỹ và tiêu chuẩn hữu cơ. Việc nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tiếp tục được đăng ký bảo hộ thành công tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giúp chúng tôi có thêm "biển lớn" mới để xuất khẩu sản phẩm chè tiêu chuẩn của mình.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Quốc Chính thông tin thêm, hiện nay Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các địa phương về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tập huấn, tuyên truyền để doanh nghiệp, HTX hiểu hơn về quyền lợi khi đăng ký nhãn hiệu, lợi ích cũng như hiệu quả khi xây dựng "thương hiệu" các sản phẩm chủ lực địa phương.
Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng, hậu kiểm các sản phẩm mang thương hiệu, các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương trong thực hiện các cam kết theo quy định để giữ vững uy tín của thương hiệu. Song song với đó, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung hàng hóa, áp dụng quy trình thực hành an toàn, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình cho biết, Thái Nguyên rất quan tâm và phát triển cây chè - cây trồng chủ lực làm giàu cho nông dân. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, nông dân nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên. Mục tiêu đến năm 2025 là toàn tỉnh có 23.500ha chè, 85% diện tích chè giống mới, giá trị bình quân đạt 350 triệu đồng/ha.
Trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm: quy hoạch vùng chè, xây dựng thương hiệu chè quốc gia, thống nhất quy trình sản xuất, chế biến chè. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Rà soát vùng sản xuất chè gắn với phát triển du lịch; xây dựng mã số vùng trồng, mở rộng diện tích chè hữu cơ, chè sạch; tăng cường chuyển đổi số, xúc tiến thương mại, giao dịch điện tử để tiêu thụ chè.
Có thể khẳng định, việc xây dựng, phát triển "thương hiệu" sản phẩm nông sản sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm có thương hiệu; là cầu nối cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiêu thụ ngoài nước, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.