>>Thái Nguyên: Thông qua nhiệm vụ quy hoạch thêm gần 2.000ha đất công nghiệp
Khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2023); 10 năm Ngày thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên (16/4/2013-16/4/2023), Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, vị thế và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được ghi nhận và ngày càng trở nên quan trọng như hiện nay.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, Phó Chủ tịch VCCI nhận định cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách; môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính còn phiền hà, chi phí thực hiện thủ tục hành chính còn cao, hạ tầng cơ sở còn chưa phát triển đồng bộ, nhiều nút thắt và điểm nghẽn trong quá trình thực thi các dự án đầu tư, kinh doanh.
“Đặc biệt, doanh nghiệp phần lớn nhỏ và vừa, chất lượng sản phẩm dịch vụ còn chưa được nâng cao, năng lực quản lý, sự liên kết trong sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện đáng kể; sức cạnh tranh còn thấp, đặc biệt là trên thị trường quốc tế và khu vực; suy giảm kinh tế và biến động của thị trường trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp dẫn đến phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động…”, ông Nghĩa cho biết.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thời gian qua, với quyết tâm của tập thể lãnh đạo tỉnh và chính quyền các cấp, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành TW cùng sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, nên thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh và luôn có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trở thành địa phương, điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp, đứng vào Top các tỉnh dẫn đầu về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu của cả nước và lọt top các tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách.
Phó Chủ tịch Bùi Trung Nghĩa nhận định, hiện nay dư địa cho cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước nói chung và ở địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn. Lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân của tỉnh vẫn cần định hướng phát triển mạnh mẽ hơn nữa để Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương đi đầu về sản xuất công nghiệp của cả nước và trở thành một trung tâm kinh tế - công nghiệp phát triển ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Chính vì vậy, để cộng đồng doanh nghiệp Thái Nguyên ngày càng phát triển, đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, Phó Chủ tịch VCCI kiến nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân toàn tỉnh tiếp tục phản ánh thực tiễn, tập hợp kiến nghị và đề xuất cụ thể tới các Sở ban ngành tại địa phương, cũng như tới VCCI nhằm tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tập trung giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường…
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức đối thoại định kỳ, hiệu quả; Xây dựng và duy trì cơ chế đối thoại, kênh tiếp nhận và xử lý thông tin thường xuyên giữa các cơ quan chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp; Khuyến khích kết nối khu vực doanh nghiệp trong nước với các FDI.
>> Thái Nguyên đặt mục tiêu vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt
Doanh nghiệp là nhân tố quan trọng
Trước áp lực của cạnh tranh, hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ số, các yêu cầu từ thị trường, từ chuỗi cung ứng đối với xu hướng phát triển xanh, sạch và bền vững để tiếp tục trụ vững và phát triển, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, cấu trúc và quản trị của doanh nghiệp phải thay đổi, năng lực quản trị mới phải được chú trọng đầu tư, xây dựng.
Bên cạnh việc duy trì năng lực cạnh tranh cốt lõi, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc tiếp cận và đáp ứng các xu thế của thị trường, từng bước thực hiện chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và sạch hơn, có tuân thủ và thực hiện trách nhiệm với các yêu cầu về môi trường, lao động và cộng đồng, tăng cường tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Ông Nghĩa khẳng định, VCCI cam kết tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên trong những nỗ lực chung nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả và phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua luôn có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển lớn mạnh và bền vững. Qua đó đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời tích cực đề xuất với cấp ủy, chính quyền trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp, doanh nhân.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất 04 trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, bao gồm: một là, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của doanh nghiệp; hai là, đóng góp tích cực vào việc giữ và lên hạng chỉ số PCI ở top điều hành Khá của quốc gia.
Ba là tăng cường đối thoại Chính quyền - doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vương mắc; bốn là, triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện và cấp sở ngành (DDCI), qua đó cải thiện thực chất và hiệu quả ở tất cả các cơ quan có tiếp xúc với doanh nghiệp.
“Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần “Tận tâm giúp đỡ” từ Đảng, chính quyền và nhân dân, với bản lĩnh doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Thái Nguyên sẽ vững bước vượt khó, tiếp tục khẳng định là nhân tố quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Thời nhấn mạnh.
Thái Nguyên hiện có 9.415 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 135.000 tỷ đồng. Với phương châm “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo và ngày càng lớn mạnh, hòa nhập với xu thế phát triển chung của xã hội.
Trong bảng xếp hạng VNR500, Thái Nguyên có 7/500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và 4/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân xuất sắc đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh tôn vinh, biểu dương… Tại buổi gặp mặt, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã kết nạp thêm 6 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 126 hội viên chính thức và 900 hội viên sinh hoạt tại các hội, câu lạc bộ trực thuộc; đồng thời chính thức ra mắt website dữ liệu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ: http://ddci.thainguyen.vn. |