Xác định vốn đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, từng bước hiện đại, hoàn thiện hạ tầng nên ngay từ đầu năm tỉnh Thái Nguyên đã có những chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình, dự án, gắn với giải ngân, hiện Thái Nguyên đứng trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Khu công nghiệp Sông Công II. Ảnh: MT
Tích cực đẩy nhanh các tiến độ dự án
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên là trên 8.367 tỷ đồng (bao gồm trên 7.863 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ giao và trên 504 tỷ đồng địa phương giao thêm), phân bổ cho 80 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực cấp tỉnh quản lý, trong đó có 30 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng (gồm 12 dự án trọng điểm). Tỉnh đã tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, căn cứ các quy định của pháp luật thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 và Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023, khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng quy định, bằng mọi biện pháp phải quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch.
Được giao số vốn lớn nhất là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (QLDAGT) với 13 dự án, với tổng nguồn vốn hơn 1.200 tỷ đồng. Trong 13 dự án, có 2 dự án trọng điểm được chuyển tiếp đang thi công, bao gồm: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc và Đường vành đai V qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). Đánh giá quá trình triển khai giải ngân vốn của đơn vị đến nay vẫn còn chậm, nguyên nhân được chỉ ra là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, nguồn cung vật liệu đất đắp thiếu hụt, thời tiết bất lợi...
Để khắc phục tình trạng này, trong những tháng cuối năm, Ban QLDAGT sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc tiến độ công tác giải ngân, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao theo kế hoạch.
Ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban QLDAGT tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Khi nhiều dự án chuyển sang thi công các hạng mục có giá trị cao, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết và giải quyết được bài toán về nguồn cung vật liệu đất đắp, sẽ giúp cho tiến độ giải ngân và thi công được đẩy nhanh, đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn được cấp”. Đến nay, một số dự án do Ban QLDAGT tỉnh làm chủ đầu tư đã được thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, bao gồm: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261, đoạn từ Km1+00 đến Km20+00; Nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà; Nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình thành đường tỉnh 273; Đường gom Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn từ Khu công nghiệp Yên Bình đến đường tỉnh 266 (Khu công nghiệp Điềm Thụy); đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng đại lộ Đông - Tây, Khu công nghiệp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu).
Riêng đối với Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đến nay Ban QLDAGT tỉnh và các nhà thầu thi công đã nhận bàn giao mặt bằng trên 180/219ha để thi công. Khối lượng hoàn thành ước đạt khoảng 35% trong tổng khối lượng công việc của toàn Dự án, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 ước đạt gần 20%...
Ban QLDAGT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, trong những tháng cuối năm ban QLDAGT tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt trong công tác triển khai, thi công, nghiệm thu khối lượng công trình, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán với những dự án đã hoàn thành.
Nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công
Tỉnh Thái Nguyên sẽ cắt giảm dự phòng cho các dự án đang chuẩn bị đầu tư do không thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên dự kiến điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung theo hướng giảm kế hoạch vốn 261.437,359 triệu đồng, gồm: 25 dự án đã phê duyệt quyết toán, dự án đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt quyết toán; 11 dự án không còn nhu cầu bố trí vốn; 3 dự án không tiếp tục đầu tư; 1 dự án điều chỉnh giảm cơ cấu tổng mức đầu tư.
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, việc điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn đầu tư công thực sự cần thiết và cấp bách, đảm bảo theo đúng luật định, nhất là đối với nhiều dự án được bố trí nguồn vốn năm 2023 chưa thể giải ngân do vướng mắc giải phóng mặt bằng, nguồn đất đắp, bãi đổ thải, dẫn đến có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch để bổ sung vốn cho các dự án hoàn thành, các dự án quan trọng, trọng điểm thuộc các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ các địa phương đầu tư các dự án động lực có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế của địa phương để hoàn thành các mục tiêu. Ngoài ra, tỉnh cũng đang theo dõi thông tin về những cơ chế chính sách mới từ trung ương cho phép sử dụng một số nguồn quỹ tài chính hiện tại có số kết dư lớn để chi đầu tư công, nhằm phát huy hiệu quả vốn ngân sách. Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kịch bản chi đầu tư công, tức là chuẩn bị các dự án để đón các nguồn vốn lớn khi trung ương chính thức ban hành cơ chế mới này
Với quyết tâm không để tình trạng chậm giải ngân xảy ra trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức thực hiện tốt và chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý điều hành ngân sách.Đồng thời, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động, tích cực và quyết liệt trong thi công, nghiệm thu khối lượng thực hiện, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Nguyên kiểm soát, thanh toán vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Theo đó, đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, các dự án bố trí kế hoạch vốn để thu hồi vốn ứng trước, các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022 được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thực hiện giải ngân sớm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu các sở, ngành, các huyện đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các dự án khởi công mới trong năm 2023./.