>>>Thái Nguyên: Thông qua nhiệm vụ quy hoạch thêm gần 2.000ha đất công nghiệp
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết thời gian qua tỉnh quyết liệt triển khai nhiệm vụ quy hoạch tỉnh. Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vừa qua tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được tặng Giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards 2023 là giải thưởng danh giá quốc tế về quy hoạch do tổ chức có uy tín trên thế giới “Singapore institute of planners” chủ trì đánh giá và xét chọn trao giải.
Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh giá trị, chất lượng, ý tưởng và tầm nhìn của các đồ án quy hoạch tham dự giải. Đợt đánh giá, xét chọn giải lần này có gần 100 đồ án quy hoạch của các quốc gia trên thế giới tham dự. Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xuất sắc đạt điểm cao và được Ban Tổ chức lựa chọn trao giải Bạc. Điều này cho thấy, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã bảo đảm chất lượng cao, thể hiện tư duy tầm nhìn và giá trị thực tiễn cao, mang tầm quốc tế.
Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu tổng quát: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất…Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Cũng theo Quy hoạch,Thái Nguyên có dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp (4.245 ha đất phát triển khu công nghiệp, 2.057 ha đất phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp). Giai đoạn 2021-2030, trong quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển 13 sân gôn; trong năm 2023 tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 02 sân gôn gồm: Dự án Khu thể thao sân gôn Tân Thái tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Dự án sân gôn glory tại xã Thành Công, thành phổ Phổ Yên.
Theo các chuyên gia, dư địa đất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên xếp vào Top đầu các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đây là lợi thế so sánh để các nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất phục vụ triển khai các dự án đầu tư, đồng thời với đó giá thuê đất tại Thái Nguyên cũng nằm trong Tóp cạnh tranh do vậy Thái Nguyên thuận lợi trong thu hút đầu tư và tăng điểm ở chỉ số tiếp cận đất đai trong nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Không chỉ có vậy, việc tích cực và quyết liệt triển khai nhiệm vụ quy hoạch tỉnh đã thể hiện sự đi tắt đón đầu cơ hội đầu tư và khát khao tiếp tục sớm tạo ra động lực bứt phá đưa Thái Nguyên phát triển.