>>> Doanh nhân tỉnh Thái Nguyên: Chung sức, đồng lòng, vượt khó khăn
Hội nghị được tổ chức sáng ngày 13/10/2023 tại UBND tỉnh Thái Nguyên. Tham dự có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam; bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan và 250 đại biểu là cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Phát huy quyền làm chủ của phụ nữ
Trực tiếp điều hành hội nghị, ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề cao vai trò lớn lao của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH tại địa phương. Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ, tỉnh luôn lắng nghe để chị em có cơ hội bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng; cấp ủy, chính quyền kịp thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất, từ đó có những giải pháp nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Đối với các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho các tầng lớp phụ nữ, nhất là phương thức tổ chức các phong trào, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị…
Bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hội nghị đối thoại này là minh chứng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác Hội, phong trào phụ nữ và cán bộ, hội viên, phụ nữ toàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức đối thoại, là dịp để cán bộ, hội viên, phụ nữ và các cấp Hội tại Thái Nguyên được phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách pháp luật tại địa phương, đồng thời bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị đề xuất đến UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với mong muốn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển toàn diện, thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của tỉnh.
Giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, đề xuất
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, hội nghị đối thoại đã có trên 15 lượt ý kiến liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, phụ nữ được đặt ra, tập trung vào nhóm vấn đề về: phát triển kinh tế; đào tạo nghề, lao động việc làm, an sinh xã hội; đảm bảo an toàn thông tin và thực hiện chuyển đổi số; chế độ chính sách cho phụ nữ và đội ngũ cán bộ Hội … Trong đó, nhiều vấn đề, ý kiến của hội viên phụ nữ đã được giải đáp ngay tại hội nghị.
Bà Nông Thị Phương Sao, Chủ tịch Hội LHPN huyện Định Hóa đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí để Hội LHPN cấp cơ sở được trang bị máy tính, thực hiện chuyển đổi số.
Về việc này, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời: Để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó có Hội LHPN các cấp, các đơn vị cần chủ động đăng ký nguồn ngân sách chi thường xuyên. Hội LHPN tỉnh cần phối hợp đề xuất các nhiệm vụ phục vụ công tác chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các cấp hội và hội viên.
Bà Hoàng Thị Tám, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm Trại Gião, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ cho rằng, hiện nay, việc chi trả chế độ cho chi hội trưởng phụ nữ và người hoạt động không chuyên trách tại các tổ dân phố, thôn, xóm là thấp so với khối lượng và áp lực công việc. Đề nghị UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ cấp cơ sở như: phụ cấp hàng tháng, hỗ trợ bảo hiểm y tế và BHXH tự nguyện, bởi đây là người trực tiếp truyền tải, vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân.
Về vấn đề này, đại diện Sở Nội vụ cho biết, việc chi trả chế độ cho Chi hội trưởng phụ nữ nói riêng và người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố nói chung hiện nay được thực hiện theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh quy định về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND.
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thay thế các văn bản trên.
Bà Đỗ Thị Tân, Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Phái, TP. Phổ Yên cho rằng, hiện nay, giá bồi thường đất và các công trình, tài sản trên đất để thực hiện các dự án còn quá thấp so với giá thị trường. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét tăng mức bồi thường đất và tài sản trên đất.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc xác định giá bồi thường đất và tài sản trên đất đã được thực hiện đúng theo quy định tại các văn bản hiện hành. Tuy nhiên, với nội dung phản ánh của hội viên phụ nữ, các ngành chức năng ghi nhận và sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố xem xét, xác định mức bồi thường đất, tài sản cho phù hợp với giá thị trường.
Bà Vũ Bích Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương nêu ý kiến: Hiện nay, việc chọn người tham gia công tác y tế thôn bản gặp khó khăn do chế độ phụ cấp thấp; một số cán bộ y tế thôn bản là cán bộ hội phụ nữ kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo. Bà Thủy nêu kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ học phí cho cán bộ phụ nữ kiêm nhiệm tham gia học tập lớp y tế thôn bản.
Về nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Đặng Ngọc Huy cho biết, toàn tỉnh hiện có 176 người có nguyện vọng tham gia khóa đào tạo nhân viên y tế thôn bản. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có căn cứ pháp lý để ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho cán bộ phụ nữ tham gia các khóa đào tạo nhân viên y tế thôn bản.
Sắp tới, Sở Y tế sẽ nghiên cứu, đề nghị UBND các địa phương quan tâm, phối hợp để mở lớp đào tạo theo nhu cầu tại địa phương. Ngoài ra, đề nghị lãnh đạo địa phương và các ban, ngành tiếp tục phối hợp thực thi đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản theo quy định.
Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu đề nghị UBND tỉnh, ngành Bảo hiểm xã hội quan tâm đưa chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ vào danh mục chi trả của Bảo hiểm y tế.
Về nội dung này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên – Lò Thị Hoán cho biết, việc tầm soát ung thư hiện nay chưa được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Việc đưa vào danh mục thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam và các cơ quan huuwx quan, do đó, BHXH tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến và phối hợp với Sở Y tế để tiếp tục phản ánh lên các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung quy định.
Liên quan đến công tác Hội Phụ nữ, đại biểu Hội LHPN huyện Võ Nhai nêu: Hiện nay, nhiều phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu nhưng không có mặt tại địa phương và một số phụ nữ đã kết hôn nhưng chưa cắt khẩu khỏi địa phương. Nếu tính gộp tất cả số phụ nữ trên để tính tỷ lệ thu hút hội viên thì sẽ không đảm bảo và không phù hợp.
Đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh cho hay, công thức tính tỷ lệ thu hút hội viên các xã, phường, thị trấn là tổng số hội viên/tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Đối với số liệu về phụ nữ từ 18 tuổi trở lên thì sử dụng số liệu của ngành Thống kê.
Tuy nhiên, nếu không tính nhóm đối tượng được đại biểu nêu bên trên thì sẽ không đảm bảo tỷ lệ do Trung ương phân bổ. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất với Trung ương Hội LHPN Việt Nam điều chỉnh cách tính số liệu phụ nữ từ 18 tuổi trở lên để phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay một số hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý đang gặp nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, giá cả không ổn định… Do đó, một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia công tác quản lý.
Về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương nhấn mạnh, các HTX gặp khó khăn về đầu ra, giá cả không ổn định cần sự giúp đỡ, hỗ trợ, đề nghị Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tham vấn, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, nhiều phụ nữ bày tỏ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vốn vay giải quyết việc làm trong chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Về vấn đề này, đại diện ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên thông tin, đơn vị đang đề nghị ngân hàng chính sách xã hội Trung ương bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện Chương trình việc làm tỉnh Thái nguyên giai đoạn 2023-2025 để đề nghị UBND tỉnh cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang ngân hàng CSXH để thực hiện chương trình.
Ngoài ra, còn nhiều ý kiến của các đại biểu Chi hội, Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh kiến nghị liên quan đến các vấn đề về sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, giải quyết việc làm, giáo dục hướng nghiệp và các vấn đề đời sống xã hội khác, mong muốn sẽ tiếp tục được đối thoại nhiều hơn nữa trong thời gian tiếp theo để tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ, mong muốn các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, nêu gương sáng trong cuộc sống và công tác, cống hiến nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng hình ảnh phụ nữ Thái Nguyên tự tin, tự trọng, khát vọng vươn lên.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao tặng 30 suất quà cho hội viên phụ nữ thuộc gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 90 cán bộ Hội cơ sở giỏi được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ tỉnh biểu dương, khen thưởng.