Ngành Công thương (Thái Nguyên): Nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp

  • VŨ PHƯỜNG
  • 15/10/2023
Ngành Công thương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhằm góp phần cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, ngành Công thương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

 Chương trình xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm Na và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023

Chương trình xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm Na và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023

Thống kê 9 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt gần 695 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghiệp địa phương đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 643,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ.

Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên, đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng. Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định công nghiệp là trụ cột, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để đạt được mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, theo ông Chính, tỉnh Thái Nguyên cần sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp Thái Nguyên trong thời gian tiếp theo; trong đó đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc phát triển dự án Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco, chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Tân Dương, huyện Định Hóa cho biết, CCN Tân Dương hình thành thể hiện nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư cũng như chính quyền các cấp, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện. Quá trình giải phóng mặt bằng nhanh, được nhân dân đồng tình ủng hộ là một lợi thế lớn cho doanh nghiệp triển khai đầu tư.

“CCN Tân Dương sẽ mở ra cơ hội phát triển các lĩnh vực thế mạnh của huyện Định Hóa, nhất là chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; may mặc... Kỳ vọng trong tương lai không xa, cụm tiếp tục được mở rộng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tạo thêm động lực cho huyện miền núi Định Hóa phát triển và cho tỉnh Thái Nguyên tăng giá trị sản xuất công nghiệp”, ông Cường cho hay.

Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên, trong thời gian qua, ngành Công thương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm quảng bá, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường trên các sàn thương mại điện tử, tăng cơ hội tìm kiếm, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, ông Hoàng cho biết, trong các tháng cuối năm, Sở Công thương dự kiến tổ chức “Phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi” và chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm lan tỏa tình yêu hàng Việt đến đông đảo người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, tạo nên những chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Nâng cao chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”

Ông Nguyễn Bá Chính nêu thực trạng, hoạt động của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, số doanh nghiệp phải giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh gia tăng. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, hoạt động kinh doanh còn thiếu sự liên kết với nhau; khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp; ít doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện một số dịch vụ liên quan đến tư vấn pháp luật, tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác đầu tư, kinh doanh chất lượng cao. Trong khi đó, một số chính sách của nhà nước về phát triển doanh nghiệp chưa đồng bộ, các chương trình hỗ trợ chưa mang tính tổng thể, toàn diện, do đó chưa tạo được tác động cộng hưởng để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trên cơ sở năng lực cạnh tranh ngày một cao hơn.

Để góp phần nâng điểm chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Chính cho biết, Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin thị trường; xây dựng chuyên mục “Thông tin thị trường” trên Cổng Thông tin điện tử của Sở để đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của doanh nghiệp.

Để công khai, minh bạch, Sở đã công bố đường dây nóng của cán bộ công chức phụ trách để doanh nghiệp trao đổi bằng điện thoại, zalo, email, tìm kiếm thông tin thị trường, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

“Ngoài ra, Sở duy trì và cập nhật thường xuyên Cơ sở dữ liệu về công nghiệp và thương mại trên nền Bản đồ số (GIS) để các doanh nghiệp có nhu cầu khai thác thông tin. Đồng thời, Sở sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu, cập nhật thông tin về thực thi các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết, các ưu đãi về thuế quan mà doanh nghiệp được hưởng, các thị trường có FTA để doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng cơ hội hợp tác, xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Chính cho biết thêm.

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn