Là trung tâm vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, nhu cầu lao động ngày càng tăng. Ðáp ứng nhu cầu này, tỉnh Thái Nguyên đã và đang làm tốt công tác đào tạo, kết nối cung-cầu lao động.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm và người sử dụng lao động tuyển dụng theo nhu cầu, Sở LĐ-TBXH đã triển khai đồng bộ chuỗi các hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể:
Đặc biệt, trong năm 2022, 2023, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức thành công “Tuần cao điểm kết nối Cung – Cầu lao động” thu hút trên 300 lượt doanh nghiệp, cơ sở GDNN tham gia với trên 60.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh; đã có 9.800 lượt người lao động được tư vấn chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn định hướng nghề nghiệp; 2.181 người đạt phỏng vấn sơ loại và kết nối việc làm thành công.
Kết quả hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm giai đoạn 2020 – 6 tháng năm 2023 như sau: Tổ chức Ngày hội việc làm cấp tỉnh, cấp huyện, phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động và trực tuyến: 302 phiên giao dịch việc làm; Số người được tư vấn chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp: khoảng 121.388 lượt người; Số người được giới thiệu việc làm (thông qua Trung tâm DVVL): trên 16.060 lượt người; Số lao động được kết nối việc làm thành công (thông qua Trung tâm DVVL): 5.526 người.
Đặc biệt, từ ngày 10/4 đến hết ngày 17/4/2023, tổ chức thành công Tuần cao điểm kết nối cung – cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023. Với gần 20 hoạt động diễn ra, đã thu hút trên 180 lượt cơ sở GDNN, giáo dục đại học, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với trên 20.000 chỉ tiêu tuyển dụng, trên 7.000 chỉ tiêu tuyển sinh, thu hút trên 9.000 lượt NLĐ, HSSV tham gia. Trong quý III/2023, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 14 tỉnh, thành phố (bao gồm cả tỉnh Thái Nguyên) được tổ chức, giúp người lao động dễ tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu. Tính từ đầu năm đến ngày 12/9/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.854 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, tăng 55% so với cùng kỳ.
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Tỉnh và Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) đã ký Bản ghi nhớ về việc triển khai đầu tư Dự án Trung tâm công nghiệp Sunny Group tại KCN Yên Bình với vốn đầu tư khoảng 2-2,5 tỷ USD, dự kiến thu hút khoảng 15 nghìn lao động thường xuyên. Thái Nguyên đang trên đà phát triển, đến nay đã thu hút 10,5 tỷ USD vốn FDI, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai thêm 6 KCN, hàng chục CCN với nhu cầu lao động rất lớn, Thái Nguyên năng động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động, hình thành mạng lưới kết nối cung-cầu lao động trong toàn tỉnh và kết nối với các địa phương khác trong vùng.
Trao đổi với DĐDN bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm 2023, chúng tôi tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN với người học và đơn vị sử dụng lao động; thực hiện hiệu quả các hoạt động kết nối giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp để đào tạo nghề cho 40 nghìn người nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Thái Nguyên đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ; nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng sát với yêu cầu thực tế của DN. Các cơ sở GDNN cũng đã tăng cường kết nối để đưa HSSV đi thực hành tại DN, từ đó, nâng cao kỹ năng nghề cũng như cơ hội có việc làm sau khi ra trường của học viên.
Về chất lượng nguồn nhân lực: với vị thế là trung tâm đào tạo đứng thứ 3 toàn quốc với 9 trường ĐH; 12 trường CĐ, 34 cơ sở GDNN, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%. Theo kết quả khảo sát từ các cơ sở, có hơn 80% HSSV học nghề có việc làm sau tốt nghiệp 3 tháng. Chất lượng GDNN được nâng cao, theo hướng hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững, tạo nên một thế hệ lao động trẻ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0.
Do vậy ngành đã xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của kế hoạch là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%); phấn đấu thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; tỷ lệ lao động có các kỹ năng CNTT đạt 80%; ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; phấn đấu có 1 trường cao đẳng của tỉnh đạt chất lượng cao; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực GDNN.
Đây là những giải pháp hết sức thiết thực nhằm nâng cao Chỉ số “Đào tạo lao động” của Thái Nguyên trong thời gian tới. Cũng như góp phần nâng cao Chỉ số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.