Phổ Yên (Thái Nguyên): Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử

  • KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG
  • 18/10/2023
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực tạo sự phát triển đột phá, TP Phổ Yên đang đề ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

>>> Phổ Yên (Thái Nguyên) thành phố trẻ hiện đại, thông minh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung đặt tại KCN Yên Bình, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung đặt tại KCN Yên Bình, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Phát triển kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng

Công nghiệp 4.0 đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bắt nhịp xu thế đó, thành phố (TP) Phổ Yên đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.

Ông Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên, Bí thư Thành ủy Phổ Yên cho biết, để tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng của TP, Phổ Yên đã tập trung triển khai các nhiệm vụ để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; ưu tiên thu hút các đơn vị doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư tại TP, như Samsung, Saigontel,…

Bên cạnh đó, TP luôn tạo điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông minh, công nghệ cao trong công tác quản lý, điều hành, sản xuất, cung cấp dịch vụ, các hoạt động thương mại và giao dịch điện tử để thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế số.

Đồng thời, Phổ Yên tiếp tục khuyến khích các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; chú trọng phát triển kinh tế số từ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu (OCOP), tạo tài khoản, gian hàng, tài khoản thanh toán điện tử, gắn mác thương hiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số trong lĩnh vực thuế…

Ông Dương Ngọc Tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên – Phú Bình cho rằng, chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chính vì vậy, cùng với ngành Thuế nói chung, Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên – Phú Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Trong đó, điểm nổi bật là triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn. Việc này không những góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội (tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường,…) tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động của Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar, KCN Yên Bình, TP Phổ Yên. Ảnh: Vũ Phường

Dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động của Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar, KCN Yên Bình, TP Phổ Yên. Ảnh: Vũ Phường

Xây dựng xã hội số để phát triển bền vững

Theo Bí thư Thành ủy Phổ Yên Bùi Văn Lương, xây dựng xã hội số với lộ trình và các bước đi phù hợp chính là nền tảng giúp Phổ Yên phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP phát triển nhanh, bền vững.

Ở trụ cột xã hội số, TP Phổ Yên đã triển khai phần mềm quản lý thông tin y tế đến trạm y tế các xã, phường; thực hiện kết nối liên thông giám sát phần mềm quản lý dược với các nhà thuốc, quầy thuốc; tiến tới thực hiện liên thông đơn thuốc với các phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 100% cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các trường đã được tập huấn về kĩ năng dạy học trực tuyến; kĩ năng sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến. Đồng thời, phổ cập hệ thống quản lý trường học số tại tất các trường, 100% trường học triển khai phần mềm quản lý tài chính, tài sản; quản lý học phí điện tử, các loại học bạ số điện tử...

Các tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động tích cực, phát huy sức trẻ, năng động của thanh niên, qua đó góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi nhận thức, thói quen sử công nghệ của cộng đồng.

>> Thái Nguyên: “Chuyển đổi số” là đòn bẩy tăng trưởng

>> Tuần lễ chuyển đổi số năm 2023 từ khai thác dữ liệu số, thanh toán số

Lãnh đạo TP Phổ Yên đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số, khởi nghiệp và lập nghiệp

Lãnh đạo TP Phổ Yên đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số, khởi nghiệp và lập nghiệp

Xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ tốt hơn

Phổ Yên là địa phương được lựa chọn triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bí thư Thành ủy Bùi Văn Lương cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và sự đồng hành của các doanh nghiệp, Phổ Yên đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ, đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ UBND phường Ba Hàng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Vũ Phường

Cán bộ UBND phường Ba Hàng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Vũ Phường

Theo UBND TP Phổ Yên, qua gần ba năm triển khai, Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Phổ Yên đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, số lượng tải ứng dụng “Phổ Yên Smartcity” đạt hơn 3.500 lượt với hơn 400 lượt đăng ký tài khoản. Thành phố cũng cho lắp đặt và phát huy hiệu quả hệ thống camera giám sát tại các trung tâm, các khu, cụm công nghiệp, các tuyến phố. Đặc biệt, hệ thống một cửa của TP được phát huy, góp phần giải quyết phần lớn các thủ tục hành chính theo hình thức dịch vụ công mức độ 3, 4.

Bên cạnh đó, với mục tiêu thực hiện chính quyền số, hiện nay, trên địa bàn TP. Phổ Yên đã áp dụng các hòm thư điện tử, thực hiện chữ ký số đối với tập thể và cá nhân; tổ chức họp trực tuyến thường xuyên hơn thay vì họp trực tiếp như trước đây,…  

Bằng sự nỗ lực, các dịch vụ số trên nền tảng chính quyền số, nhiều kênh giao tiếp của TP. Phổ Yên đã tạo ra môi trường chuyển đổi số thuận lợi để cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp lựa chọn được những sản phẩm, dịch vụ điện tử phù hợp với nhu cầu, như ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”, ứng dụng C-ThaiNguyen, Thái Nguyên ID, ứng dụng “Phổ Yên Smartcity”, sổ sức khỏe điện tử, phần mềm định danh diện tử VneID, phần mềm bảo hiểm VssID, Thuế điện tử…

Công an TP Phổ Yên hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng điện tử VNeID.

Công an TP Phổ Yên hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng điện tử VNeID.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc công ty TNHH Cường Đại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Phổ Yên, với việc đẩy mạnh triển khai chính quyền số, cộng đồng doanh nghiệp luôn là người được “hưởng lợi”. Chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền giúp doanh nghiệp giảm bớt được chi phí thời gian, gia tăng cơ hội đầu tư, kinh doanh. TP Phổ Yên đang có những thời cơ, vận mệnh “ngàn năm có một” để tăng tốc bứt phá, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo TP, tin tưởng rằng, Phổ Yên sẽ trở thành thành phố thông minh, đáng sống, là điểm đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.

Có thể thấy giờ đây, chuyển đổi số đã không còn là câu chuyện ở chủ trương, chính sách, mà được triển khai sôi động ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và len lõi trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, với những thói quen công nghệ đang dần được hình thành. Trên hành trình đổi mới, Phổ Yên cũng đã và đang nỗ lực để bắt nhịp kịp thời với tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng linh hoạt những thành tựu đó vào từng ngành, lĩnh vực với kì vọng thông qua công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cải cách triệt để các thủ tục hành chính; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Quốc gia số vào năm 2030.

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn