Phú Lương (Thái Nguyên) lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng

  • PHAN NAM
  • 21/10/2023
Với mục tiêu lấy NN là nền tảng, CN, tiểu thủ CN làm động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện Phú Lương đang tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển.
 Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương chủ trì hội nghị kiểm tra tiến độ và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Yên Lạc.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương chủ trì hội nghị kiểm tra tiến độ và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Yên Lạc.

Theo ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Lương khoá 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, lấy nông nghiệp là nền tảng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghệp và dịch vụ; góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Phát triển đồng bộ

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ, Phú Lương đã triển khai hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân 11,29% (tăng 0,69% so với chỉ tiêu Nghị quyết), giá trị sản xuất công nghiệp địa phương ước đạt 9,38% (cao hơn 1,08% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Phát triển các làng nghề được quan tâm, trên địa bàn huyện có 45 làng nghề; tích cực hỗ trợ các làng nghề, hợp tác xã tham gia xúc tiến, quảng bá sản phẩm thế mạnh của huyện.

Bên cạnh đó, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,05% (vượt 0,55% so với mục tiêu của Nghị quyết). Đáng chú ý, đến hết năm 2023, huyện Phú Lương đã có13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, nhằm phát huy tiềm năng, tận dụng tài nguyên đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Phú Lương đang triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Yên Lạc, diện tích 25,6ha và mời gọi nhà đầu tư quan tâm thành lập cụm công nghiệp Yên Ninh, diện tích 28ha, đồng thời bổ sung, đưa vào quy hoạch 3 cụm công nghiệp mới.

Huyện Phú Lương cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của huyện trên các lĩnh vực, đến hết tháng 7 năm 2023, có 04/09 dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách đã được triển khai và đang trong quá trình thực hiện, 01 dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng; các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục quy định.

Trọng tâm, trọng điểm

Với các nền tảng đã có, ông Nguyễn Quốc Hữu cho biết: trong thời gian tới Phú Lương sẽ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tế tại địa phương, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư trên mọi lĩnh vực.

Huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến vào sản xuất nông nghiệp; đặc biệt quan tâm phát triển cây chè và sản phẩm trà, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị; phát triển thêm các sản phẩm OCOP, sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ; duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Đề án xây dựng nông thôn mới huyện Phú Lương, giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, trọng tâm là xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các xã có sản phẩm OCOP hoặc tham gia vào chu trình OCOP, 20% trở lên các sản phẩm chủ lực ứng dụng chuyển đổi số gắn với du lịch nông thôn, được quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, huyện đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và Đề án phát triển thương mại - dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu và thị trường cho một số sản phẩm chủ lực; chú trọng đầu tư xây dựng và quy hoạch vùng nguyên liệu; nâng cao chất lượng các làng nghề truyền thống, phát triển thêm các làng nghề mới. Thúc đẩy các ngành công nghiệp có thế mạnh như may mặc, khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, chế biến chè. Tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương...

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn