Thái Nguyên: Công nghiệp là trụ cột tăng trưởng kinh tế

  • KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG
  • 22/10/2023
Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định ngành công nghiệp đóng vai trò trụ cột và động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

>>> Thái Nguyên: Đổi mới để thu hút nhiều hơn

Nhà máy Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên được đầu tư từ năm 2013 đến nay, đã tạo nên bước đột phá cho quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Nhà máy Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên được đầu tư từ năm 2013 đến nay, đã tạo nên bước đột phá cho quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp vào năm 2030

Theo Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Nguyên – Lê Kim Phúc, để đạt được mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra các định hướng phát triển và tập trung triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt ra mục tiêu tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp đạt 9%/năm trở lên; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 8,5 - 9%/năm. Riêng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu đạt trên 9%/năm; tỷ trọng VA ngành công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu GRDP của tỉnh đạt khoảng 61% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt khoảng 60%.

Ông Lê Kim Phúc, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên

Ông Lê Kim Phúc, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 05 KCN được thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích là 1.327,98 ha; tỷ lệ lấp đầy khoảng 74,74%; thu hút khoảng 10,5 tỷ USD vốn FDI, tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu hơn 30 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động. Hàn Quốc là quốc gia dẫn về đầu tư FDI tại tỉnh với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 8 tỷ USD (chiếm trên 80% tổng số vốn FDI tại các KCN tỉnh Thái Nguyên).

Theo phương án phát triển KCN tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên sẽ có 11 KCN và 01 Khu CNTT tập trung. UBND tỉnh Thái Nguyên đã ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tổ chức lập quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp theo quy định. Cụ thể, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên có diện tích 1.128ha nằm trên địa bàn TP Phổ Yên; KCN Yên Bình 2 có quy mô 301ha, nằm trên địa bàn TP Phổ Yên và huyện Phú Bình; KCN Yên Bình 3 có quy mô 300ha, nằm trên địa bàn huyện Phú Bình; KCN Thượng Đình có diện tích 130ha, nằm trên địa bàn huyện Phú Bình.

Phát triển các KCN “xanh” theo hướng bền vững

Ông Lê Kim Phúc cho biết, để phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, tỉnh Thái Nguyên chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư. Trong Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 14/3/2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thể hiện rất rõ chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh.

Công ty nhôm Hàn Việt (Aluminum Hàn Việt) tại KCN Điềm Thụy là điển hình cho doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, hướng tới sản xuất “xanh”.

Công ty nhôm Hàn Việt (Aluminum Hàn Việt) tại KCN Điềm Thụy là điển hình cho doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, hướng tới sản xuất “xanh”.

Trong đó, Thái Nguyên chú trọng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn để thu hút đầu tư phát triển. Tỉnh cũng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp có vốn đầu tư lớn, nhưng nhu cầu về diện tích đất công nghiệp thấp và sử dụng không nhiều lao động để tiết kiệm nguồn lực trong phát triển công nghiệp. Tỉnh luôn tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động áp dụng các công nghệ, giải pháp sử dụng hiệu quả và sản xuất sạch hơn theo hướng chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái, đưa ngành công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên phát triển ổn định và bền vững.

“Phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp là mô hình và giải pháp quan trọng để tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH và công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế trong thu hút và hợp tác đầu tư. Tỉnh luôn phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển khu, cụm công nghiệp; phối hợp hiệu quả và hài hoà lợi ích đầu tư giữa Nhà nước - Địa phương - Doanh nghiệp”, ông Phúc cho hay.

>> Thái Nguyên: Hiện thực hóa quy hoạch tỉnh

>> Thái Nguyên: “Chuyển đổi số” là đòn bẩy tăng trưởng

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Theo Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với các doanh nghiệp trong KCN, Ban luôn đồng hành cùng các doanh nghiêp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Định kỳ đầu năm, Ban tổ chức tọa đàm trực tiếp với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN, vừa chúc tết khích lệ, động viên các doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, vừa nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công tác giải quyết các thủ tục hành chính luôn được lãnh đạo Ban quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban đều được cập nhật, tích hợp, công khai lên trang thông tin điện tử và niêm yết đầy đủ tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC của Ban. Theo đó, 100% các tổ chức, cá nhân đến thực hiện giải quyết TTHC tại Ban Quản lý đều được hướng dẫn cụ thể và giải quyết trước thời gian quy định đối với những hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Hàng năm, Ban đều xây dựng kế hoạch Hỗ trợ pháp lý - tuyên truyển phổ biến giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp và người lao động trong các KCN; phối hợp với các Sở ban ngành, Công đoàn thường xuyên tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp và người lao động về Luật lao động; Bảo hiểm xã hội, An toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường...

Ông Kim Jong Hak, Tổng Giám đốc công ty CP Aluminum Hàn Việt (ngồi giữa) trả lời phỏng vấn Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Kim Jong Hak, Tổng Giám đốc công ty CP Aluminum Hàn Việt (ngồi giữa) trả lời phỏng vấn Diễn đàn Doanh nghiệp

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Kim Jong Hak, Tổng Giám đốc công ty CP Aluminum Hàn Việt cho biết, công ty có nhà máy xây dựng tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình, chuyên sản xuất các loại phôi nhôm billet, phù hợp với các sản phẩm đúc ép. Ngoài sự giúp đỡ của các Ban quản lý các KCN, các sở, ban, ngành khác cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục thành lập công ty, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo ông Kim Jong Hak, trong bối cảnh nền công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đang có tốc độ phát triển nhanh, đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu về nhôm từ đó cũng tăng cao. Việc xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ nhôm tại Thái Nguyên sẽ góp phần giải quyết những nhu cầu của các doanh nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu cho công nghiệp Thái Nguyên.

Theo ông Kim Jong Hak, hiện nay, TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan hành chính nhà nước cần công khai quy trình giải quyết TTHC; cập nhật, thông báo thường xuyên tới doanh nghiệp để doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện các hoạt động khác liên quan.

Đồng thời, TTHC tại các sở, ngành, địa phương cần có sự thống nhất, tập trung đầu mối giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng có tính đến yếu tố đặc thù, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, khả thi trong phục vụ doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Giám đốc Nhà máy thép Trường Sơn – công ty TNHH Minh Bạch

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Giám đốc Nhà máy thép Trường Sơn – công ty TNHH Minh Bạch

Tương tự, bà Trịnh Thị Hương, Phó Giám đốc Nhà máy thép Trường Sơn – công ty TNHH Minh Bạch (KCN Sông Công I) đánh giá cao sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên. Bà Hương cho rằng, trong bối cảnh tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị bền vững, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư tại tỉnh. Do đó, sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền trong việc cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, thời gian thực hiện TTHC là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và tạo niềm tin với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Hương, hiện nay, đầu mối các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từ Trung ương tới địa phương vẫn còn nhiều nên xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Với cùng một nội dung nhưng có nhiều cơ quan chức năng cùng thực hiện, không kết hợp với nhau dẫn tới thanh tra, kiểm tra dàn trải trong cả năm

Cùng với đó, quy định về phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập, có sự “cào bằng” đối với các doanh nghiệp mà chưa xem xét đặc thù của từng doanh nghiệp cụ thể, từng dây chuyền sản xuất.

“Trong chặng đường tiếp theo, để xây dựng và phát triển các KCN Thái Nguyên theo hướng bền vững, tập thể Ban Quản lý sẽ tiếp tục phấn đấu tăng tốc để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN. Trong đó, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật KCN cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tiếp tục hướng dẫn các thủ tục về đầu tư, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh”, ông Phúc cho hay.

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn