>>> Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
Tạo sức lan tỏa
Bắt đầu triển khai từ năm 2019, đến nay, chương trình OCOP đã cho thấy hiệu quả thiết thực; các hình thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm đậm chất truyền thống có tiềm năng phát triển được khai thác và phát huy tối đa. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đánh giá rằng, OCOP như “làn gió” lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh, tạo sự chuyển biến trong tư duy và hành động của các tổ chức kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ cho rằng, với việc đa dạng về chủng loại, mẫu mã, các sản phẩm OCOP đang trực tiếp mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân.
Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Ngọc, các HTX, doanh nghiệp, cá nhân trong huyện đều xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tạo dựng thương hiệu sản phẩm và ghi dấu ấn tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Vì vậy, OCOP có sức lan tỏa mạnh mẽ, được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên toàn huyện, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có những sản phẩm đạt chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm
Với lợi thế là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, nhiều HTX, làng nghề truyền thống, Đồng Hỷ đặt mục tiêu mỗi xã có một sản phẩm chủ lực, thương hiệu mạnh. Nhờ đi đúng hướng, huyện đang là địa phương đi đầu của tỉnh Thái Nguyên về thực hiện chương trình OCOP, đa dạng hóa các sản phẩm và nâng cao chất lượng, thương hiệu.
Trong các sản phẩm thế mạnh của địa phương, Đồng Hỷ xác định cây chè là cây kinh tế chủ lực. Để có được chứng nhận OCOP, nhiều HTX chè đã nỗ lực nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thu hút khách hàng.
Tại HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, việc sản xuất các sản phẩm chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, có mã số mã vạch luôn được HTX đặc biệt quan tâm. Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè Thịnh An cho biết, HTX hiện có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và mục tiêu hướng đến là phát triển sản phẩm tiềm năng lên hạng 5 sao. Đồng thời, HTX luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện nay có 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao là Miến dong Việt Cường của HTX miến Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng. Hai năm về trước, vượt qua 43 sản phẩm của 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, sản phẩm Miến dong Việt Cường đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia công nhận đạt chuẩn 5 sao. Đến nay, giá trị thương hiệu sản phẩm này ngày càng được khẳng định giá trị trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường cho biết, việc đạt được sản phẩm OCOP 5 sao là cả một quá trình nỗ lực, bền bỉ, quyết tâm của các thành viên HTX trong việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp mẫu mã, bao bì, tạo dựng uy tín, thương hiệu, giúp khách hàng ngày càng tin tưởng sử dụng sản phẩm của HTX.
Đến nay, có nhiều sản phẩm miến của HTX đã được đa dạng hóa, đưa ra thị trường tiêu thụ, như: miến tỏi đen Việt Cường, miến khoai lang Việt Cường, miến sắn dây Việt Cường,… được khách hàng ưa thích và tin tưởng sử dụng.
Để phát huy những giá trị tốt đẹp và đẩy mạnh phát triển kinh tế từ thế mạnh của người dân tộc Sán Dìu tại tỉnh Thái Nguyên, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hoà (xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ) đã đưa món nem thính dân tộc Sán Dìu trở thành sản phẩm đặc trưng để đưa ra thị trường với số lượng lớn nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân trong vùng.
Ông Đỗ Ngọc Đông – chủ thương hiệu “Nem thính dân tộc Sán Dìu”, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Hoà chia sẻ, nem thính dân tộc Sán Dìu là món ăn thể hiện lòng hiếu khách của gia chủ khi khách đến chung vui, giúp đỡ của người dân địa phương. Ngày nay, món ăn này không chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc Sán Dìu mà còn thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình.
"Sản phẩm nem thính dân tộc Sán Dìu đang được sản xuất theo một quy trình khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến khâu cho ra thành phẩm hoàn chỉnh. Trung bình mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường khoảng 20.000 hộp. Hiện, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, được phân phối chủ yếu ở các cửa hàng kinh doanh thực phẩm và tiếp tục được mở rộng thị trường, quảng bá đến các siêu thị trên cả nước”, ông Đông cho hay.
>>> Đưa sản phẩm OCOP cùng phát triển du lịch nông thôn
>>> Thái Nguyên: Doanh nhân huyện Đồng Hỷ dám nghĩ, dám làm
Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP
Trong bối cảnh ngành du lịch nước ta đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng theo hướng bền vững và đi vào chiều sâu, việc phát huy thế mạnh từ tài nguyên là các sản phẩm OCOP sẽ tạo ra không gian phát triển mới với sự gắn kết hiệu quả hơn, giúp gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho cả sản phẩm OCOP và điểm đến du lịch.
Đánh giá về tiềm năng khai thác du lịch nông thôn, ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho rằng, địa phương còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch mạnh hơn, hiệu quả hơn trong tương lai. Đồng Hỷ được thiên nhiên ban tặng, ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, cùng với những lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số là điều kiện thuận lợi để Đồng Hỷ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm cộng đồng gắn với các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Ông Dũng cho biết, với thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây chè tại Đồng Hỷ phát triển tốt và cho ra những sản phẩm trà thơm ngon cùng chất trà đặc biệt. Đáng nói, việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, với các sản phẩm như: Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà; du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn với văn hóa trà,…
Đồng Hỷ được coi là cái nôi đầu tiên của ngành chè Việt Nam, với khoảng 40 làng nghề chè đã được công nhận. Nhiều sản phẩm trà của các làng nghề chè Đồng Hỷ đã có mặt rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế. Sự phát triển của làng nghề chè trong những năm qua đã góp phần hình thành các vùng làng nghề chè đặc sản nổi tiếng như: Trại Cài - Minh Lập, Văn Hán, Sông Cầu, Khe Mo… tạo tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề. Ngoài ra, huyện còn một số điểm du lịch đang thu hút khách du lịch tham quan như Bản Tèn, suối Tiên, hang Chùa…
Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ - Vũ Quang Dũng cho rằng, điều cốt lõi là có giải pháp thực hiện, phối hợp đồng bộ và căn cơ giữa nhà nước – doanh nghiệp – người dân để cùng lúc tạo được hiệu quả về mặt kinh tế, tạo sinh kế cho nhân dân được bền vững hơn cũng như nâng tầm giá trị cho các sản phẩm du lịch. Do đó, những năm qua, huyện đã từng bước kêu gọi và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư về lĩnh vực này; tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến du lịch thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quảng bá du lịch nhằm nâng tầm và phát triển ngành du lịch Đồng Hỷ nói riêng và du lịch tỉnh Thái Nguyên nói chung trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.