Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư (Ban Quản lý các KCN tỉnh) cho biết: Ngoài các cơ chế, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư, lãnh đạo Ban luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư và chủ động tiếp xúc, giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các DN đang hoạt động trong KCN.
Đặc biệt, Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ về pháp lý cho các DN. Định kỳ đầu năm, Ban tổ chức tọa đàm trực tiếp với các DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để có hướng tháo gỡ.
Công nhân Thái Nguyên làm việc tại khu công nghiệp (nguồn ITN)
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tập trung nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định đối với lĩnh vực này. 100% các tổ chức, cá nhân đến thực hiện giải quyết TTHC tại Ban Quản lý đều được hướng dẫn cụ thể và giải quyết trước thời gian quy định đối với những hồ sơ có đầy đủ thủ tục theo quy định.
Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung vào việc lập, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 KCN Sông Công 2 - giai đoạn 2; đồ án quy hoạch chung xây dựng KCN - đô thị - dịch vụ Phú Bình và tiến hành lấy ý kiến cộng đồng và các sở, ngành, địa phương về nhiệm vụ quy hoạch phân khu KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3; quy hoạch chung KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên và báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Điềm Thụy - Khu A.
Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, các DN đánh giá cao những lợi thế của các KCN trong tỉnh, cùng với đó là sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên trong việc chấp thuận các chủ trương đầu tư.
Đây là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Đồng thời, cũng là những điều kiện hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ, yên tâm sản xuất ra các sản phẩm chất lượng thời gian tới. Tin rằng, với những lợi thế như vậy, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nữa đặt chân tới nơi đây.
Tăng cường kết nối, dẫn dắt nhà đầu tư
Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên có thêm 27 dự án FDI được cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 171,1 triệu USD, 10 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,53 triệu USD. Điển hình như: Nhà máy kỹ thuật vật liệu mới Hengxin Việt Nam (vốn đầu tư 9,8 triệu USD); Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 3 (vốn đầu tư gần 9,9 triệu USD)…
Tại các KCN trên địa bàn tỉnh có tổng số 283 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 156 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 10,68 tỷ USD và 127 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký trên 16.284 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lũy kế tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực tăng 16 dự án (tăng 6%).
Có được thành quả trên, cùng với những chính sách vĩ mô về ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn tỉnh; thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, tập trung thu hút các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 và có lợi thế cạnh tranh...
Trong thời gian tới, nhằm giúp doanh nghiệp tại các KCN tiếp tục ổn định sản xuất, phát triển đồng bộ, tỉnh tiếp tục có những chính sách, cơ chế và cách làm phù hợp, hiệu quả với mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Trên cơ sở phân tích kỹ bối cảnh thực tiễn và dự đoán hướng phát triển trong giai đoạn tới, từ nay đến năm 2030, Thái Nguyên tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, xúc tiến đầu tư; bảo đảm quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền; sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội đối với đầu tư. Qua đó, tiếp tục khẳng định Thái Nguyên là điểm đến an toàn, tin cậy, hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong khu vực và thế giới..