Thái Nguyên giảm nghèo bền vững – Không ai bị bỏ lại phía sau

  • KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG
  • 14/12/2023
Giảm nghèo bền vững là mục tiêu ưu tiên trong chương trình phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên; từ đó nhiều hộ nghèo đã vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.

>>> Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên: Cải cách hành chính để nâng cao chỉ số "Đào tạo lao động"

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, đã thật sự đi vào cuộc sống, mang lại cuộc sống giàu đẹp cho Nhân dân (Hình minh họa – TNTV)

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, đã thật sự đi vào cuộc sống, mang lại cuộc sống giàu đẹp cho Nhân dân (Hình minh họa – TNTV)

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết nội dung về đào tạo nghề nêu tại Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó là nội dung căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Do đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả nội dung về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Để làm được điều này, trước hết Nhà nước cần có các chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng có điều kiện khó khăn để tạo điều kiện tiếp cận, tham gia các lớp giáo dục nghề nghiệp cho người lao động.

“Trái ngọt” trên hành trình giảm nghèo

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thái Nguyên, những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung để giúp bà con giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, từng bước nâng cao, thoát nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH Thái Nguyên cho biết, giáo dục nghề nghiệp - giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững.

Ngày 15/10/2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên phối hợp với hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về GDNN, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững cho cán bộ, hội viên Phụ nữ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 ( Trong ảnh: Ban Tổ chức tặng Cờ lưu niệm cho 7 đội tham gia Chương trình)

Ngày 15/10/2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên phối hợp với hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về GDNN, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững cho cán bộ, hội viên Phụ nữ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 (Trong ảnh: Ban Tổ chức tặng Cờ lưu niệm cho 7 đội tham gia Chương trình)

Đối với người nghèo, đào tạo nghề chính là "chiếc cần câu” thiết yếu. Giảm nghèo trên diện rộng là việc không dễ dàng, cần có chính sách, cơ chế của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, toàn xã hội và từng cá nhân. Tuy nhiên, làm thế nào để cái nghèo không quay trở lại thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Giảm nghèo qua phương pháp giáo dục, đặc biệt giáo dục nghề nghiệp được coi là cách làm căn cơ và bền vững.

Mục tiêu của Chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Các nội dung, hoạt động trong dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, phát triển chương trình, học liệu, phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp; khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

>>> Xuất khẩu lao động không chỉ để “xóa đói giảm nghèo”

>>> Gắn kết đào tạo nghề với tạo việc làm để giảm nghèo bền vững

Thực tế cho thấy, Thái Nguyên đã thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, như: 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; 90% trở lên trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đi học đúng độ tuổi; 63% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo, trong đó 26,1% có bằng cấp chứng chỉ;… Bình quân trên toàn tỉnh có gần 25.000 người được giải quyết việc làm mới/năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 40.000 người/năm, trong đó có gần 3.000 người là lao động nông thôn.

Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Sở đã phối hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhiều dự án phát triển sản xuất, kinh doanh để giúp bà con gia tăng thu nhập, thoát nghèo.

Đơn cử, như dự án chuỗi liên kết sản xuất cây măng lục trúc, với sự tham gia của 136 hộ trên địa bàn xã Phương Giao, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai và xã Linh Thông huyện Định Hoá; Dự án cây gai xanh, với 65 hộ dân tại xã Lam Vỹ, Bảo Linh huyện Định Hóa; Dự án Hỗ trợ liên kết chăn nuôi và tiêu thụ lợn đen, gà và bò cho 41 hộ dân tại xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; Dự án liên kết theo chuỗi giá trị “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất chè xanh an toàn, nâng cao giá trị và phát triển thương hiệu” với 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Sơn Phú, huyện Định Hóa và nhiều dự án khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Hỗ trợ tiếp cận vốn là bài toán giúp nông dân gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Ảnh: TNTV

Hỗ trợ tiếp cận vốn là bài toán giúp nông dân gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Ảnh: TNTV

Đến thời điểm này, với những “trái ngọt” thu được, có thể nói Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, đã thật sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Thái Nguyên hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.

Sẽ tiếp tục “xóa” nghèo, hướng nghiệp cho nhân dân

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, có được những kết quả này là do tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo đa chiều. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh còn chú trọng tới việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực, từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Ngày hội việc làm gắn với giảm nghèo bền vững đem lại nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số và người dân. Ảnh: Khánh Sơn

Ngày hội việc làm gắn với giảm nghèo bền vững đem lại nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số và người dân. Ảnh: Khánh Sơn

Các hoạt động dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm liên tục được triển khai trong nhiều năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo nghề cho hàng chục nghìn người mỗi năm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 75%.

Thời gian tới, Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững; rà soát, nghiên cứu, tham gia phản biện để hoàn thiện cơ chế chính sách về giảm nghèo. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

Cùng với đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; thường xuyên rà soát nhằm phát hiện, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, đặc biệt là cấp cơ sở trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần của chương trình.

Phân luồng học sinh là bước đi mới đạt hiệu quả cao trong giá dục hướng nghiệp tại Thái Nguyên. Ảnh: Văn Thưởng

Phân luồng học sinh là bước đi mới đạt hiệu quả cao trong giá dục hướng nghiệp tại Thái Nguyên. Ảnh: Văn Thưởng

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, trong những năm tiếp theo, Thái Nguyên tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của mỗi địa phương, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh tại chỗ nhằm tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo. Tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vận dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, đẩy mạnh phát triển các công trình có sự hỗ trợ của người dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Công tác giáo dục - đào tạo và dạy nghề tiếp tục được nâng cao về chất lượng; công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động được đổi mới theo hướng chuyên môn hóa để phân luồng lao động phát triển nguồn lực lao động chất lượng cao.

Nguồn/Source: https://diendandoanhnghiep.vn