>>> Gắn kết đào tạo nghề với tạo việc làm để giảm nghèo bền vững
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, tỉnh Thái Nguyên xác định, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang tính nhân văn sâu sắc. Để giảm nghèo bền vững, hiệu quả, hiện tỉnh đã đang triển khai tích cực các giải pháp của tỉnh lồng ghép với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tiếp tục tạo nhiều nguồn lực hơn cho công tác giảm nghèo.
Chính sách giảm nghèo thực hiện quyết liệt
Ông Tiến cho biết, thời gian qua tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm 9.929 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó 5.971 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 1,79%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 1%; hộ cận nghèo là 3.958 hộ, đạt tỷ lệ 1,19%, vượt so với chỉ tiêu đề ra 0,6%. Người nghèo tại tỉnh từng bước được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Năm 2023, tỉnh dự kiến sẽ giảm 1% số hộ nghèo và 0,4% số hộ cận nghèo để đảm bảo kế hoạch giảm nghèo của giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch giảm nghèo của UBND tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, kết quả rà soát toàn tỉnh không ghi nhận hộ tái nghèo, điều này cho thấy tác động tích cực và hiệu quả của chủ trương thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo đa chiều. Cụ thể, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh chú trọng tới việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, mua con giống, cây giống, phương tiện hỗ trợ sản xuất nhằm từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thái Nguyên còn thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người hộ cận nghèo, nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%; hỗ trợ về giáo dục - đào tạo cho 49.000 học sinh, sinh viên, trẻ mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí khoảng 42.000 triệu đồng; hỗ trợ về xây mới và sữa chữa nhà ở cho hơn 1.176 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 54.802 triệu đồng; tạo việc làm mới cho hơn 21.000 lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương, ông Tiến chia sẻ, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” tại 4 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương. Nhờ vậy, thời gian qua, gần 7.000 lượt hộ đồng bào dân tộc Mông đã được hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai trên tổng diện tích hơn 3.100 ha với kinh phí ngân sách hỗ trợ gần 15 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đã phân bổ 2021- 2023 là 117.325 triệu đồng
Đặc biệt, tỉnh đã trích ngân sách đầu tư hỗ trợ xây dựng 15 tuyến đường vào các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài 42,7 km, kinh phí 64,5 tỷ đồng; triển khai xây dựng 15 công trình lớp học, 3 công trình nhà văn hóa, 11 công trình điện lưới quốc gia, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung bằng nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách, trong đó kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ là 15,62 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã triển khai dự án xóa “trắng điện” tại 34 xóm, bản chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện Võ Nhai và 14 xóm của huyện Đồng Hỷ.... giúp các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi phát triển KT-XH, các hộ nghèo nâng cao thu nhập, thoát nghèo, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn...
>>> Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số
Chương trình xóa nghèo bền vững đi vào cuộc sống
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước đạt được những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững.
Nhằm hỗ trợ công tác giảm nghèo, tỉnh Thái Nguyên sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững.
Tại Kế hoạch số 137/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được ban hành vào tháng 9/2022, tỉnh Thái Nguyên xác định, công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang tính nhân văn sâu sắc. Trên cơ sở đó, truyền thông về công tác giảm nghèo phải kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật và được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cấp cơ sở với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ sở.
Bà Hương, cho biết thêm, thời gian qua, để tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đã tăng cường lồng ghép các hoạt động giữa các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tăng nguồn lực cho công tác giảm nghèo; thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm, làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo đến năm 2025; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chương trình tại các cấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đã được giao trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Sở thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hỗ trợ sản xuất, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo; thực hiện tốt chính sách trồng và bảo vệ rừng để tăng thu nhập; chuyển giao tiến bộ khoa học cho hộ nghèo; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và dạy nghề để người nghèo có điều kiện chuyển đổi nghề, vươn lên thoát nghèo.
Sở cũng tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, trong đó ưu tiên những hộ đăng ký thoát nghèo, những hộ có khả năng thoát nghèo theo 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin).
Để giảm nghèo bền vững, việc thay đổi nhận thức của người nghèo là hết sức quan trọng. Bởi vậy, một trong những giải pháp được ngành LĐ-TB&XH tập trung triển khai đó là đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo đa chiều bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân, từ đó tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, còn tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; thực hiện đồng bộ các mục tiêu, ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, chú trọng huy động sự đóng góp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Qua đó tăng cường nguồn lực cho chương trình giảm nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo từng bước vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Về giải pháp lâu dài, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Phát triển mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Kế hoạch và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống...